Cá lại chết hàng loạt trên sông Âm, nước chuyển màu đen

Từ ngày 2/4 đến nay, trên sông Âm đoạn qua địa bàn xã Vân Am, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa xuất hiện tình trạng nước sông chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối và cá trên sông bị chết hàng loạt.
Cá lại chết hàng loạt trên sông Âm, nước chuyển màu đen ảnh 1Cá tự nhiên chết nổi trắng sông Âm tháng 7/2016. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Từ ngày 2/4 đến nay, trên sông Âm đoạn qua địa bàn xã Vân Am, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa xuất hiện tình trạng nước sông chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối và cá trên sông bị chết hàng loạt.

Như vậy chỉ trong vòng hơn một tháng, trên sông Âm đoạn qua xã Vân Am đã 2 lần xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt.

Hiện tượng cá chết xảy ra bắt đầu từ thượng nguồn sông Âm đoạn qua các làng Tró, Giỏi Thượng, Giỏi Hạ, Đắm; trong đó, có những loại cá to ở tầng đáy cũng bị chết như cá tầm, cá lăng, cá ké, trạch làn...

Ngay sau khi nhận được tin báo, Ủy ban Nhân dân huyện Ngọc Lặc đã đến hiện trường chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các xã Vân Am, Phùng Giáo, Phùng Minh, Nguyệt Ấn, Phúc Thịnh không ăn cá chết; không cho gia súc, gia cầm ăn cá chết này; không sử dụng nguồn nước từ sông Âm để sinh hoạt và tưới cây trồng.

Cán bộ các phòng Tài nguyên Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển ​Nông thôn, Trạm Thú y xuống hiện trường nắm tình hình, lấy mẫu nước, xác cá chết đưa đi kiểm nghiệm.

Chính quyền địa phương cũng đang thống kê số lượng cá chết, đồng thời huy động cán bộ xã cùng người dân địa phương tập trung vớt cá để đi tiêu hủy.

Theo ông Phạm Công Cúc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ngọc Lặc, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc không có cơ sở sản xuất chế biến nào, vì vậy có thể vệt nước đen xuất phát từ thượng nguồn sông Âm chảy xuống huyện Ngọc Lặc khiến cá bị chết hàng loạt.

Ủy ban Nhân dân huyện đã đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, điều tra nguyên nhân xuất hiện vệt nước đen để có biện pháp xử lý triệt để, tránh tình trạng nước sông bị ô nhiễm và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Trước đó, vào ngày 22/2, trên sông Âm đoạn qua xã Vân Am cũng xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Các cơ quan chức năng đã xác định được nguyên nhân cá chết là do chỉ tiêu COD vượt Quy chuẩn Việt Nam 2,77-9,45 lần; chỉ tiêu NH4+ vượt 1,86-2,8 lần; chỉ tiêu NO3 vượt 1,06-1,75 lần; chỉ tiêu Mn vượt 2,94 lần; chỉ tiêu NH4+ vượt 2,76 lần.

Cũng trên tuyến sông này có ba cơ sở sản xuất giấy vàng mã gồm Công ty Cổ phần Lâm sản Lang Chánh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Vận tải Tuấn Vinh và Hợp tác xã chế biến Lâm sản Lang Chánh đóng tại Cụm công nghiệp Bãi Bùi huyện Lang Chánh, Thanh Hóa.

Ba cơ sở này có những vi phạm như Công ty Cổ phần Lâm sản Lang Chánh không có văn bản báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh về tiến độ thực hiện Đề án bảo vệ môi trường; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Vận Tải Tuấn Vinh không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định, không thu gom chất thải nguy hại theo quy định; Hợp tác xã chế biến Lâm sản Lang Chánh không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục