Cà Mau "gồng mình" ứng phó với tình trạng sạt lở ven biển

Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét hỗ trợ tỉnh 970 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư hoàn thành các công trình chống sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Cà Mau "gồng mình" ứng phó với tình trạng sạt lở ven biển ảnh 1Một hộ dân bị sạt lở nhà xuống kênh. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Theo thống kê, trong 10 năm gần đây, sạt lở làm mất khoảng 5.251 ha rừng ven biển của tỉnh Cà Mau, tương đương diện tích của một xã.

Con số trên cho thấy, sạt lở giờ đây không còn là “nguy cơ” đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân vùng ven biển mà đang là thực trạng đang hiện hữu từng ngày, từng giờ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân.

Tương phản hai bờ Nam-Bắc

Tuyến đê biển Tây đoạn Tiểu Dừa-Khánh Hội của tỉnh Cà Mau dài hơn 22km. Trong đó, đoạn đê biển từ Hương Mai (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) đến Khánh Hội (xã Khánh Hội, huyện U Minh) mới chỉ được nâng cấp một phần, còn lại khoảng 9km.

Tại đây, cứ khi vào mùa mưa bão hay triều cường dâng cao thì cuộc sống của 80 hộ dân sống ven đê của hai xã Khánh Tiến và Khánh Hội luôn bị ảnh hưởng trực tiếp. Không những vậy, hàng trăm hộ dân sống bên trong đê cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Tình trạng trên là do tuyến đê đoạn từ Tiểu Dừa-Khánh Hội hiện mới chỉ được hoàn thành một nửa. Cửa biển Hương Mai chính là điểm cắt đoạn đã nâng cấp và đoạn chưa nâng cấp. Trong khi tuyến đê phía bờ Bắc giờ đã nâng cao 3m, mặt đường bê tông rộng 5,5m thì phía bờ Nam hiện chỉ là bờ đất đen, cao trình khoảng 1,2m…

Tình trạng xuống cấp đến nỗi, tại nhiều đoạn đê chỉ còn tương tự như bờ bao vuông nuôi tôm của người dân.

[Đê biển Tây Cà Mau xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng]

Bà Lư Thị Đài, người dân sống bên bờ Nam cửa biển Hương Mai, xã Khánh Tiến, huyện U Minh cho biết, những năm gần đây thời tiết diễn biến ngày càng bất thường, bất chấp mùa mưa hay mùa nắng.

“Trước đây, gia đình tôi trồng cây kiểng nhiều lắm nhưng giờ bị nước cuốn trôi không còn cây nào. Triều cường dâng cao gây ngập đê cũng thường xuyên xảy ra. Từ đó, nhà cửa đều bị ngập sâu, việc nhà bị ngập tầm 1m là chuyện như cơm bữa,” bà Lư Thị Đài chia sẻ.

Ông Trần Văn Rạn, ở xã Khánh Hội, huyện U Minh chia sẻ những hộ sống ven chân đê bị thiệt hại rất nhiều. Triều cường dâng cao cuốn trôi không chỉ cây trái mùa màng mà còn gây nhiều thiệt hại cho người nuôi tôm địa phương, đó là chưa kể đến tính mạng, tài sản của người dân luôn bị uy hiếp, nhất là vào mùa mưa bão.

Dọc theo bờ biển Tây có thể nhận thấy rõ ràng hai gam màu tương phản rõ rệt cả về đời sống dân sinh và về hạ tầng cơ bản… Trong đó, tại nhiều khu vực, người dân phía bờ Nam nhìn sang bờ Bắc với nỗi khắc khoải, mong chờ tuyến đê được nâng cấp, không chỉ vì có tuyến đường giao thông được xây dựng cao rộng hơn mà còn bởi hy vọng tuyến đê sẽ là chỗ dựa an toàn cho đời sống, sản xuất người dân.

Minh chứng rõ nét nhất là khu vực tuyến đê từ cống Tiểu Dừa về bờ Bắc thị trấn Sông Đốc giờ đã được đầu tư nâng cấp nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương. Suốt tuyến nêu trên, đến nay đã hoàn thành các hạng mục nâng cấp, thân đê cao trình đến 3m, bề mặt có đường bê tông kiên cố, đảm bảo cho xe ô tô lưu thông dễ dàng… Chính điều này đã tạo nên sức bật lớn cho các địa phương không chỉ phát triển kinh tế-xã hội mà còn đáp ứng tốt hơn công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Ông Bùi Văn Đông, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều tỉnh Cà Mau đánh giá thực tế đã chứng minh, đối với những đoạn đê đã được đầu tư, nâng cấp thì đời sống người dân rất phát triển. Bởi không chỉ sản xuất được ổn định mà điều kiện sinh hoạt, đi lại học hành của con em cũng thuận lợi hơn nhiều.

Trong khi đó, đời sống của người dân sống ven những đoạn đê đất đen chưa được đầu tư, nâng cấp lại hoàn toàn trái ngược. Đó cũng là nguyên nhân khiến rất nhiều cư dân trong khu vực dù cố gắng làm ăn nhưng cuộc sống vẫn lẩn quẩn trong vòng bế tắc.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, đê biển Tây được đầu tư, nâng cấp theo Quyết định 667 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, hai đoạn đê đã được cứng hóa mặt đê bằng bêtông, cốt thép với chiều dài là 52km. Còn lại hai đoạn đê đất đen từ Rạch Dinh về Khánh Hội (huyện U Minh) khoảng 10km và đoạn từ Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) về thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) là khoảng 23km. Riêng, đoạn Hương Mai đến Khánh Hội được thực hiện cách đây gần 30 năm.

Công năng của tuyến đê vốn không còn đảm bảo, chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị nâng cấp, ngành nông nghiệp đã đưa vào dự án nâng cấp từ năm 2013. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai vốn đầu tư.

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết: “Phần lớn các hộ dân sống dọc tuyến đê biển Tây đời sống còn khó khăn, nguồn thu nhập chính là trồng lúa, trồng màu và nuôi trồng thủy sản. Thực trạng những đoạn đê biển chưa được nâng cấp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân. Mong mỏi của người dân hiện nay là sớm đầu tư tuyến đê hoàn chỉnh.”

Ông Tô Quốc Nam nhấn mạnh thêm khi đê biển Tây được nâng cấp hoàn thiện thì không chỉ phục vụ mục tiêu phòng chống thiên tai của địa phương đạt hiệu quả cao hơn mà còn góp phần tháo “nút thắt” cho các địa phương ven biển phát triển toàn diện về mọi mặt… phù hợp với tinh thần và mục tiêu của Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu.

Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ tham mưu Ủy ban Nhân dân Cà Mau tỉnh đắp bờ bao đất cao khoảng 2,5m; chiều rộng chân đê khoảng 2m; mặt đê khoảng 1m… để đảm bảo triều cường, nước dâng cục bộ không ảnh hưởng sản xuất của người dân.

Còn về lâu dài, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm triển khai dự án nối liền các đoạn còn dang dở của tuyến đê biển Tây ngay trong giai đoạn 2023-2025.

Thực trạng đáng báo động

Cà Mau có bờ biển dài 254km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển của cả nước. Một trong những thách thức của biến đổi khí hậu mà tỉnh Cà Mau đang phải đối mặt là tình trạng sạt lở bờ biển đang ngày càng gia tăng, cả về mức độ và phạm vi, là mối đe dọa rất lớn đến ổn định dân sinh, kinh tế, xã hội vùng ven biển.

Cà Mau "gồng mình" ứng phó với tình trạng sạt lở ven biển ảnh 2Thi công bờ kè phòng chống sạt lở. (Nguồn: TTXVN)

Theo số liệu thống kê của ngành lâm nghiệp, giai đoạn 2011-2021, sạt lở làm mất rừng ven biển của Cà Mau khoảng 5.251 ha (tương đương với diện tích bình quân một xã của tỉnh). Riêng năm 2021, diện tích sạt lở ven biển là 300ha.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau nhận định, thực tế những năm gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng cực đoan; thời điểm xuất hiện gần như quanh năm, không theo quy luật. Cộng hưởng với đó là đặc điểm địa hình bờ biển của tỉnh phức tạp, sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, ven biển đã gây ra tình trạng sạt lở đất rất nghiêm trọng.

Trước tình hình trên, với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, bộ, ngành, sự cố gắng nỗ lực của địa phương, trong những năm qua Cà Mau đã xây dựng được hơn 58km kè bảo vệ với tổng kinh phí trên 1.800 tỷ đồng.

Qua thống kê, các khu vực bị sạt lở ở mức độ rất nghiêm trọng (tốc độ sạt lở bình quân 45-50 m/năm) cần phải có các giải pháp công trình bảo vệ ngay với chiều dài khoảng 132,5km, trong đó, khu vực bờ biển Đông khoảng 87km, bờ biển Tây khoảng 45,5km; các khu vực sạt lở ở mức độ nghiêm trọng có chiều dài khoảng 67km.

Ngoài ra, thời gian gần đây xuất hiện thêm các khu vực sạt lở rất nghiêm trọng tại khu vực cửa sông, ven biển và khu vực bờ Nam cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời); cửa biển Vàm Xoáy (huyện Ngọc Hiển); ấp Lưu Hoa Thanh (huyện Đầm Dơi)… với diễn biến sạt lở có xu thế gia tăng.

Những vị trí này cần phải triển khai cấp bách đầu tư xây dựng công trình xử lý xói lở nhằm bảo vệ an toàn cho các khu dân cư tập trung, các công trình hạ tầng quan trọng như đường Hồ Chí Minh, khu vực xây dựng tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc... với tổng chiều dài gần 18km.

Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã có tờ trình “hỏa tốc” kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét hỗ trợ tỉnh 970 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương (nguồn vượt thu) để đầu tư hoàn thành các công trình chống sạt lở đặc biệt nguy hiểm nói trên.

Trong những năm tiếp theo, tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị cần bố trí vốn hỗ trợ để tiếp tục đầu tư công trình chống sạt lở rất nguy hiểm còn lại với tổng chiều dài trên 131km.

Ông Lê Văn Sử nhận định thêm những công trình đã được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện, bước đầu phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm song, chống sạt lở, gây bồi tạo bãi. Tuy nhiên, với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong vài năm tới địa phương không chỉ mất thêm nhiều diện tích đất, diện tích rừng phòng hộ ven biển đã hình thành qua hàng trăm năm, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hạ tầng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục