Ca phẫu thuật nội soi đầu tiên tiến hành tại huyện đảo Cô Tô

Sáng 13/10, các bác sỹ của Trung tâm Y tế huyện Cô Tô đã thực hiện thành công ca phẫu thuật mổ nội soi đầu tiên cho một nữ bệnh nhân.
Ca phẫu thuật nội soi đầu tiên tiến hành tại huyện đảo Cô Tô ảnh 1Các bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Cô Tô tiến hành ca mổ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng 13/10, các bác sỹ của Trung tâm Y tế huyện Cô Tô đã thực hiện thành công ca phẫu thuật mổ nội soi đầu tiên cho một nữ bệnh nhân.

[Đồng Nai: Nối thành công cẳng tay gần đứt lìa cho một bệnh nhân]

Bệnh nhân tên Nguyễn Thị Th, 75 tuổi, ở huyện Cô Tô. Bệnh nhân đi khám sức khỏe định kỳ và được phát hiện u nang buồng trứng. Trước đó, bệnh nhân ở nhà có các biểu hiện đau tức hạ vị.

Sau khi thăm khám, các bác sỹ chỉ định bệnh nhân phẫu thuật cắt u nang buồng trứng bằng phương pháp nội soi.

Sáng 13/10, các bác sỹ của Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã trực tiếp chỉ đạo bác sỹ của Trung tâm y tế huyện đảo Cô Tô thực hiện ca mổ nội soi cắt buồng trứng cho bệnh nhân Th.

Ca mổ cho bệnh nhân diễn ra trong 45 phút, do bác sỹ của Trung tâm Y tế huyện Cô Tô thực hiện gồm: 1 bác sỹ gây mê đã được đào tạo 3 tháng, 1 bác sỹ phẫu thuật đã được đào tạo 6 tháng tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Thiết bị phẫu thuật nội soi được Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đầu tư cho Trung tâm Y tế huyện Cô Tô, trị giá 2 tỷ đồng. Gần một năm nay, Trung tâm Y tế huyện Cô Tô đã thực hiện thường quy kỹ thuật mổ ruột thừa, có thai ngoài tử cung cho người dân địa phương.

Từ tháng 3/2017, Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến với việc đào tạo và hỗ trợ chuyên môn cho Trung tâm Y tế huyện Cô Tô chuyển giao các gói kỹ thuật như: phẫu thuật nội soi cơ bản, cấp cứu sản phụ khoa và nhi khoa, kiểm soát nhiễm khuẩn, nội soi tiêu hóa.

Trung tâm y tế huyện Cô tô là đơn vị y tế duy nhất của huyện đảo Cô Tô, với quy mô 50 giường bệnh.

Trung tâm thực hiện công tác y tế cho khoảng 6.000 người dân của huyện. Do là huyện đảo cách xa đất liền nên công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn về chuyên môn cũng như cơ sở vật chất.

Do đó, nhiều bệnh nhân phải chuyển điều trị về đất liền tại Trung tâm y tế huyện Vân Đồn, Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ninh.

Với việc chuyển giao các gói kỹ thuật cho Trung tâm sẽ giúp người dân huyện đảo được hưởng các kỹ thuật cao ngay tại địa phương mà không phải chuyển lên tuyến trên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục