Các công ty lớn trên thế giới chưa thực hiện được cam kết xanh

24 công ty đa quốc gia chấp thuận mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhưng họ đã không thực hiện được cam kết của mình.
Các công ty lớn trên thế giới chưa thực hiện được cam kết xanh ảnh 1Các nhà phân tích đánh giá sự minh bạch trong kế hoạch khí hậu của mỗi doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào sự chính xác về lượng khí thải mà các doanh nghiệp tự báo cáo. (Nguồn: Bssnews)

Theo báo cáo phân tích chuyên sâu có tên “Giám sát trách nhiệm đối với khí hậu của doanh nghiệp năm 2023” (2023 Corporate Climate Responsibility Monitor), được công bố ngày 13/2, các công ty lớn nhất và giàu nhất trên thế giới đã không thực hiện được cam kết xanh của mình.

Báo cáo cũng kêu gọi các chính phủ trừng phạt các hành vi "tẩy xanh" của doanh nghiệp (hành vi đưa ra những tuyên bố gây hiểu lầm rằng một sản phẩm tài chính hoặc một chiến lược đầu tư của một công ty là thân thiện với môi trường, mang tính bền vững và phù hợp với chuẩn mực đạo đức).

[Tầm quan trọng của việc loại bỏ CO2 trong thực hiện mục tiêu khí hậu]

Theo báo cáo, toàn bộ 24 công ty đa quốc gia được khảo sát đã chấp thuận mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 và tuân thủ các chiến dịch do Liên hợp quốc hậu thuẫn để đảm bảo doanh nghiệp đóng vai trò trong việc khử carbon nền kinh tế toàn cầu.

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) cho rằng để duy trì dưới ngưỡng nhiệt độ đó cần cắt giảm 45% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu vào năm 2030 và đưa mức phát thải ròng về bằng 0 vào giữa thế kỷ này.

Với tổng doanh thu hơn 3.000 tỷ USD, 24 công ty trên chịu trách nhiệm cho khoảng 4% tổng lượng khí thải toàn cầu, xấp xỉ 2 tỷ tấn CO2 hoặc tương đương mỗi năm.

Tuy nhiên, báo cáo trên cho thấy cam kết năm 2030 mà 24 công ty đưa ra sẽ chỉ giúp cắt giảm 15% lượng khí thải chung của họ.

Đối với mục tiêu đưa mức phát thải ròng về bằng 0, được toàn bộ 24 công ty đa quốc gia tán thành, nếu đạt được cũng sẽ chỉ làm giảm 1/3 lượng khí thải hiện nay của họ.

Trong báo cáo trên, các tổ chức tư vấn về khí hậu là Carbon Market Watch và Viện NewClimate đã phân tích, nghiên cứu sâu các công ty trong các ngành từ ôtô, đóng tàu và hàng không tới bán lẻ thời trang, công nghệ cao, thực phẩm, thép và ximăng nhưng không có công ty dầu mỏ và khí đốt.

Các nhà phân tích đánh giá sự minh bạch trong kế hoạch khí hậu của mỗi doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào sự chính xác về lượng khí thải mà các doanh nghiệp tự báo cáo, các mục tiêu đề ra để giảm lượng khí thải này, những tiến bộ đạt được và mức độ các cam kết phụ thuộc vào kế hoạch bồi thường.

Công ty giành được số điểm cao nhất trong số doanh nghiệp trên là công ty vận tải container khổng lồ Maersk, với kế hoạch loại bỏ khí thải carbon vào năm 2040, được đánh giá có "độ minh bạch hợp lý."

Các kế hoạch khí hậu của 8 doanh nghiệp lớn khác, bao gồm Apple, Google, Microsoft và ArcelorMittal, được đánh giá là có mang tính "minh bạch vừa phải."

Trong khi đó, công ty bán lẻ thời trang H&M có mục tiêu giảm khí thải rất tham vọng nhưng các kế hoạch chuyển sang tín dụng điện sinh khối và điện tái tạo của công ty trong chuỗi cung ứng có thể làm suy yếu các mục tiêu đó.

Nghiên cứu gần đây của tạp chí Nature Climate Change cho thấy sinh khối có liên quan đến nạn phá rừng và phát thải CO2 còn việc mua điện tái tạo sẽ cho phép các công ty báo cáo mức giảm khí thải không có thực.

Báo cáo cũng cho thấy kế hoạch về khí hậu của 11 công ty khác bị đánh giá là có "độ minh bạch thấp" và 4 công ty còn lại gồm American Airlines, Samsung Electronics Carrefour và công ty chế biến thịt lớn nhất thế giới JBS bị đánh giá có "độ minh bạch rất thấp."

Dưới sức ép gia tăng từ các cổ đông, chính phủ và người tiêu dùng, các công ty đang chạy đua để đưa ra các chiến lược giảm phát thải carbon trong hoạt động cùng với các sản phẩm và dịch vụ của họ.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Sabine Frank của tổ chức Carbon Market Watch cho rằng vào thời điểm các doanh nghiệp cần làm rõ về tác động của doanh nghiệp đối với khí hậu và giảm lượng khí thải carbon thì nhiều doanh nghiệp đang lợi dụng các cam kết mơ hồ và gây hiểu lầm để "tẩy xanh" thương hiệu trong khi vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh như bình thường.

Theo Gilles Dufrasne, đồng tác giả của báo cáo trên và là lãnh đạo về chính sách của Carbon Market Watch, “tẩy xanh doanh nghiệp là vấn đề nghiêm trọng” bởi những tuyên bố sai sự thật gây ảo tưởng rằng các doanh nghiệp đang nghiêm túc hành động để đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu này trong khi trên thực tế họ đang che giấu chúng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục