Các địa phương cấp bách phòng chống bão số 11

Đến 11 giờ ngày 2/11, Bình Định di dời được 663 hộ dân với trên 3.500 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi tránh bão an toàn.
Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, đến 11 giờ ngày 2/11, các địa phương trong tỉnh đã di dời được 663 hộ dân với trên 3.500 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi tránh bão an toàn.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa, đến 11h30 ngày 2/11, bão số 11 đã ảnh hưởng trực tiếp đến huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Khả năng chiều và tối 2/11 bão sẽ tiếp tục mạnh lên ở khu vực này. Từ 9h ngày 2/11, trên địa bàn toàn huyện đã mất điện.

Theo ông Huỳnh Quang Vân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vạn Ninh, toàn huyện có 928 hộ với 4.861 khẩu cần phải di rời đến nơi an toàn, hiện 2/3 số này đã được di dời ra khỏi vùng có khả năng ngập lụt, sạt lở, lũ quét.

Phòng Tác chiến Bộ đội biên phòng tỉnh cho biết, hiện toàn bộ các tàu thuyền đang đánh bắt ở khu vực từ Bình Định đến Bình Thuận và quần đảo Trường Sa đã vào nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên cho đến thời điểm này xã Đại Lãnh còn 57 chủ bè chưa chịu vào bờ do còn chủ quan.

Sáng 2/11, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cùng các thành viên trong Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và trung tâm cứu nạn tỉnh đã về các địa phương kiểm tra công tác phòng chống bão số 11.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân và ban chỉ huy phòng chống lụt bão và trung tâm cứu nạn các huyện, thành phố triển khai theo phương châm “4 tại chỗ”; nghiêm cấm tất cả các loại tàu thuyền ra khơi, tổ chức sắp xếp tàu thuyền và các loại phương tiện vận tải thủy tại các khu neo đậu an toàn; nghiêm cấm tất cả đò ngang, đò dọc hoạt động trên sông, suối cho đến khi bão tan, lũ rút.

Bên cạnh đó, tuyệt đối không để nhân dân ra sông suối vớt củi, đánh cá khi nước lũ dâng cao; tổ chức cắm biển báo và phân công người canh gác 24/24 giờ tại các khu vực có nước chảy xiết, vùng ngập sâu đề phòng tai nạn có thể xảy ra; hướng dẫn người, phương tiện qua lại ở các bến đò, ngầm, tràn để đảm bảo an toàn; kiểm tra, rà soát, chèn chống nhà cửa, đặc biệt là nhà tạm sau bão số 9 của dân...

Đến 11 giờ, tại các cửa biển Sa Cần, Sa Kỳ, Cổ Lũy, Mỹ Á, Sa Huỳnh và tại các khu neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn, Tịnh Hòa (Sơn Tịnh) đã có hàng nghìn chiếc tàu thuyền cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh vào cập bến neo trú bão an toàn theo sự hướng dẫn của lực lượng của bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương.

Nhân dân các địa phương 6 huyện ven biển, hải đảo trong tỉnh chủ động chằng chống nhà cửa sẵn sàng đối phó với bão lũ.

Thừa Thiên - Huế đang có mưa to đến rất to. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và trung tâm cứu nạn tỉnh và các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng cứu tại các vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; và đề phòng triều cường, nước dâng gây ngập lụt trở lại tại các vùng thấp trũng.

Lực lượng Biên phòng tổ chức quản lý hơn 1.700 phương tiện tàu thuyền đưa vào nơi neo đậu an toàn, tuyệt đối không cho ra khơi. Tỉnh bố trí, phân công lãnh đạo trực tiếp kiểm tra đôn đốc để kịp thời có kế hoạch đối phó với những diễn biến xấu có thể xảy ra; tổ chức tuần tra các hồ thủy điện, hồ chứa nước, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để bảo vệ các hồ thủy điện và các hồ chứa nước trên địa bàn của tỉnh.

Riêng hồ thủy điện Bình Điền, tỉnh chỉ đạo căn cứ vào dự báo và tình hình thực tế mưa lũ để điều tiết hồ, tránh tình trạng xả lũ ồ ạt như các đợt mưa lũ vừa qua gây thêm úng ngập cho vùng hạ lưu.

Tỉnh cũng xuất 500 tấn gạo (đợt 2) giúp các địa phương chủ động trong việc dự trữ nguồn lương thực phòng chống bão số 11./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục