Các địa phương 'vào cuộc' xử phạt doanh nghiệp vi phạm về môi trường

Từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan chức năng Nghệ An, Thanh Hóa... đã liên tiếp ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản "gây hại" tới môi trường.
Hoạt động khai thác đá phá môi trường diễn ra phổ biến tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hoạt động khai thác đá phá môi trường diễn ra phổ biến tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngay sau khi Báo Điện tử VietnamPlus đăng tải loạt bài phóng sự “Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế,” vào thời điểm cuối tháng 12/2022, phản ánh về những “góc tối tàn khốc ẩn sau hàng loạt đại công xưởng dọc dài đất nước” cùng với việc “doanh nghiệp bỏ quên môi trường, dân khốn đốn” - nhiều địa phương đã vào cuộc kiểm tra và ban hành các quyết định xử phạt đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản không tuân thủ pháp luật về môi trường.

Nghệ An xử phạt 8 doanh nghiệp gần 1 tỷ đồng

Ngày 17/4, chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Qùy Hợp (địa phương được xem là “điểm nóng” về khai thác khoáng sản của tỉnh Nghệ An) cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, chính quyền huyện này đã ban hành 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp, liên quan đến các hành vi đổ thải, vi phạm về môi trường. Tổng số tiền các doanh nghiệp bị xử phạt lên tới gần 1 tỷ đồng.

Mới đây nhất, ngày 3/4/2023, Ủy ban Nhân dân huyện Quỳ Hợp đã ban hành Quyết định số 478/QĐ-UBND, xử phạt Công ty cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Quang Sơn (gọi tắt là Công ty Quang Sơn), do khai thác khoáng sản có hành vi lấn chiếm đất trên địa bàn, với tổng số tiền gần 220 triệu đồng.

Theo quyết định, Công ty Quang Sơn đã đổ đất, đá thải, đào ao chứa nước phục vụ sản xuất, dựng lán tạm cho công nhân ở trên khu vực hơn 1,5 hécta đất chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất theo quy định tại xã Châu Lộc.

Bên cạnh đó, Công ty Quang Sơn còn có hành vi lấn chiếm 0,62 hécta đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, để đổ đất, đá thải, mà chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định. Ngoài bị phạt tiền, công ty này bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các diện tích đã lấn chiếm.

[Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa "phá môi trường lấy kinh tế"]

Cũng trong đợt kiểm tra này, Ủy ban Nhân dân huyện Quỳ Hợp còn xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thành Trung tại xã Châu Lộc, với số tiền gần 270 triệu đồng, do khai thác khoáng sản có hành vi lấn chiếm đất đai.

Cụ thể, Công ty Thành Trung đã đổ đất, đá thải, làm bãi tập kết đá trên khu vực chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất trên diện tích 1,97 hécta tại khu vực giáp ranh với mỏ của công ty tại bản Kèn, xã Châu Lộc, trong suốt 3 năm qua.

Với hành vi trên, Công ty Thành Trung đã bị Ủy ban Nhân dân huyện Quỳ Hợp xử phạt 100 triệu đồng và buộc phải thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định với diện tích 1,97 hécta; buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính với số tiền hơn 47 triệu đồng.

Ngoài ra, Công ty Thành Trung còn bị xử phạt 100 triệu đồng do có hành vi lấn chiếm gần 1 hécta đất rừng sản xuất để đổ đất, đá thải, làm bãi tập kết sản phẩm, xây dựng lán trại tạm cho công nhân trên khu vực chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất và buộc phải nộp lại 22 triệu đồng từ khoản lợi bất hợp pháp.

Trước đó, đầu tháng 1/2023, Ủy ban Nhân dân huyện Quỳ Hợp cũng đã ra các quyết định xử phạt hành chính Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hồng Lương với tổng số tiền 210 triệu đồng, liên quan đến các vi phạm xả nước thải trực tiếp ra môi trường; thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo quy định.

Cùng thời điểm, Ủy ban Nhân dân huyện Quỳ Hợp đã ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hà Cương tại xã Châu Hồng, liên quan đến những hành vi vi phạm tương tự về môi trường, với tổng số tiền xử phạt 210 triệu đồng.

Đề cập đến việc xử phạt trên, ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Qùy Hợp nhấn mạnh mong muốn của huyện này là đưa doanh nghiệp khai thác tài nguyên khoáng sản đi vào hoạt động “chuẩn chỉ” và phát huy hiệu quả. 

Vị đại diện lãnh đạo huyện Quỳ Hợp cũng lưu ý trong hoạt động khai thác khoáng sản, 10 doanh nghiệp hoạt động mà 1 doanh nghiệp làm không tốt thì 9 doanh nghiệp còn lại cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng. Vì thế, quan điểm của huyện này là sẽ “hỗ trợ hết sức” để tháo gỡ khó khăn về thủ tục, văn bản chính sách cho doanh nghiệp; còn doanh nghiệp làm trái phép thì sẽ bị xử lý nghiêm, bất kể doanh nghiệp nào.

Thanh Hóa, Sơn La cũng “mạnh tay” xử lý

Tại Thanh Hóa, mới đây, ngày 11/4/2023, lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết đã ban hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại tổng hợp Bình Minh có địa chỉ ở thôn Phúc Trí, huyện Yên Định với số tiền 275 triệu đồng vì mắc nhiều lỗi vi phạm.

Các địa phương 'vào cuộc' xử phạt doanh nghiệp vi phạm về môi trường ảnh 1Khai thác đá gây ô nhiễm môi trường tại làng nghề Yên Lâm, huyện Yên Định, Thanh Hóa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cụ thể, Công ty Bình Minh có hành vi khai thác đá không đúng trình tự, không đúng một trong các thông số của hệ thống khai thác về chiều cao tầng, góc dốc sườn tầng, đang có đá om, đá treo tại khu vực giữa mốc số 9 và mốc số 10; thực hiện không đầy đủ việc cắm mốc các điểm khép góc khu vực khai thác theo quy định.

Ngoài trường hợp trên, trong ngày 17/4/2023, nguồn tin từ lãnh đạo thị trấn Yên Lâm cho biết từ đầu năm đến nay, Ủy ban Nhân dân huyện Yên Định cũng đã ban hành các quyết định xử phạt đối với 5 doanh nghiệp, chủ yếu là do vi phạm về mốc giới khai thác...

Trước đó, ngày 31/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn giầy Athena Việt Nam - Chi nhánh Nga Sơn, với số tiền 300 triệu đồng, liên quan đến các vi phạm: Không có giấy phép môi trường theo quy định; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần (tương đương mức vượt quy chuẩn kỹ thuật là 10%).

Trong tháng 1/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng đã có quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Thành Phát với tổng số tiền 250 triệu đồng, do thực hiện khai thác khoáng sản vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản từ 25 đến 50% đối với mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn.

Cũng trong tháng 1/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần xi măng Công Thanh với số tiền 210 triệu đồng, vì lý do: đổ đất đắp đê bao quanh khu vực biển có diện tích khoảng 6,2 hécta tại xã Hải Yến, thị xã Nghi Sơn khi không có quyết định giao khu vực biển…

Tại Sơn La, ngày 28/2/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La cũng đã ban hành Quyết định số 305/QĐ-UBND thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản số 847/GP-UBND mà tỉnh này đã cấp cho Công ty cổ phần xi măng Mai Sơn từ năm 2018, về khai thác quặng sắt tại mỏ sắt Tu Rúc, bản Ta Lúc, xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn.

Lý do thu hồi giấy phép là Công ty cổ phần xi măng Mai Sơn đã vi phạm, không tuân thủ quy định về nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lệ phí cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ về tài chính khác theo quy định của pháp luật; không bảo đảm tiến độ xây dựng cơ bản mỏ và hoạt động khai thác xác định trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục