Campuchia: Người gốc Việt chấp hành di dời nhà nổi tại sông Phnom Penh

Hội Khmer-Việt Nam đã thương lượng với chính quyền Phnom Penh để có thêm thời gian thực hiện di dời, giúp bảo quản tài sản trong khi chờ đợi chính quyền sở tại có phương án hỗ trợ nơi tái định cư.
Campuchia: Người gốc Việt chấp hành di dời nhà nổi tại sông Phnom Penh ảnh 1Với đặc thù nhiều tài sản của bà con là các lồng bè cá nên việc di chuyển hoặc tiêu thụ là không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang rất phức tạp tại Campuchia. (Ảnh: Trần Long/TTXVN)

Thực hiện và chấp hành thông báo của chính quyền Đô thành Phnom Penh từ ngày 2/6/2021 về việc giải tỏa và di dời một số nhà nổi và bè cá trên sông Tonle thuộc 6 quận (Prek Pnov, Russey Keo, Daun Penh, Chroy Changvar, Chbar Ampov, Mean Chey), tính đến ngày 12/6, gần 1.000 hộ gia đình gốc Việt đã tuân thủ và tháo dỡ một số nhà bè để chờ tái định cư.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Campuchia, trong các ngày 11 và 12/6, bà con người gốc Việt đã hối hả thực hiện việc tháo dỡ và di dời ở các điểm như địa phận phường Prek Thmey (quận Chbar Ampov) hay bến sông thuộc quận Prek Pnov. 

Đa số người gốc Việt tại đây mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá, nuôi cá lồng bè hoặc làm thuê trên bờ, nên cuộc sống lại gặp càng nhiều khó khăn khi nhận được thông báo di dời trong vòng 7 ngày (kể từ ngày 2/6).

Với đặc thù nhiều tài sản của bà con là các lồng bè cá (trong đó nhiều lồng cá chưa tới thời điểm thu hoạch), việc di chuyển hoặc tiêu thụ là không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang rất phức tạp tại Campuchia.

Trả lời phóng viên TTXVN tại Campuchia, Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam, ông Sim Chy cho biết, với tinh thần tương thân tương ái, hội đã thông báo cho các chi hội thuộc 6 quận để nắm danh sách ghe bè nuôi các của bà con, liên hệ và thương lượng với chính quyền Đô thành Phnom Penh cũng như các quận để có thêm thời gian thực hiện di dời, giúp bảo quản tài sản trong khi chờ đợi chính quyền nước sở tại có phương án hỗ trợ nơi tái định cư trên bờ, ổn định cuộc sống.

[Theo dõi sát tình hình cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia]

Trong buổi sáng 12/6, Hội Khmer-Việt Nam đã nỗ lực thương thảo với chính quyền quận Prek Pnov để một số ghe, thuyền của bà con gốc Việt được tập kết tạm thời tại khu vực bờ sông thuộc xóm Kruos, phường Samrong (Prek Pnov) trong khi chờ đợi sự hỗ trợ nơi tái định cư.

Ở những địa điểm khác trên sông Tonle, số bà con còn lại cũng được hội tuyên truyền vận động để bà con chấp hành tốt quy định của chính quyền và không bỏ đi về Việt Nam lúc này vì sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ những khó khăn hiện nay với phóng viên TTXVN tại Campuchia, ông Đồng Văn Cần, 55 tuổi, người gốc Việt thuộc nhà nổi ở Prek Pnov cho biết số bà con người gốc Việt chấp  hành quy định của địa phương nhưng cần có thêm thời gian để xử lý một số bè cá, cũng như tìm phương án thuê nhà tạm thời trên đất liền.

Trước đó, ngày 10/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết vào ngày 7/6 vừa qua, tại cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và hợp tác quốc tế Vương quốc Campuchia Prak Sokhonn, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã đề nghị Campuchia tiếp tục quan tâm, giải quyết vấn đề địa vị pháp lý cho người gốc Việt tại Campuchia; đề nghị các cơ quan chức năng của Campuchia trong quá trình triển khai các chính sách, biện pháp về kinh tế-xã hội cần lưu ý có lộ trình hợp lý, bảo đảm quyền lợi và an sinh của người gốc Việt, tạo điều kiện cho những người bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống, duy trì hoặc chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp và tiếp cận đầy đủ các dịch vụ thiết yếu.

Vào các ngày 4/6 và 10/6, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh cũng đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên bà con gốc Việt tại khu vực bị di dời; gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Kandal (giáp Phnom Penh) tìm phương án hỗ trợ cho người gốc Việt gặp khó khăn.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) và Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã trao đổi với phía Campuchia, đề nghị tạo điều kiện thuận lợi, có các biện pháp hỗ trợ thiết thực cho bà con tái định cư, đảm bảo tính nhân đạo và quyền lợi chính đáng của người dân.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết thêm, phía Campuchia đã ghi nhận các ý kiến của Việt Nam, khẳng định Chính phủ Campuchia sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, doanh nghiệp Việt Nam học tập, làm ăn và người gốc Việt sinh sống ổn định tại Campuchia./.

Campuchia: Người gốc Việt chấp hành di dời nhà nổi tại sông Phnom Penh ảnh 2Trong các ngày 11 và 12/6, bà con người gốc Việt hối hả thực hiện việc tháo dỡ và di dời. (Ảnh: Trần Long/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục