Cảnh báo nắng nóng vượt ngưỡng chịu đựng tại một số khu vực

Tỷ lệ tử vong do nắng nóng cực độ trong tương lai sẽ ở mức cao đáng kinh ngạc, có thể tương đương với tỷ lệ tử vong do tất cả các bệnh ung thư hoặc do tất cả các bệnh truyền nhiễm khác.
Cảnh báo nắng nóng vượt ngưỡng chịu đựng tại một số khu vực ảnh 1Lòng hồ khô cạn do hạn hán tại làng Bandai, huyện Pali, Ấn Độ, ngày 11/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10/10, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) và Hiệp hội Chữ thập Đỏ, Trăng Lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) cảnh báo nắng nóng sẽ trở nên cực đoan hơn tại một số khu vực nhất định trên thế giới trong những thập kỷ tới khiến cuộc sống con người ở đó sẽ không bền vững.

Trong báo cáo chung, OCHA và IFRC dự báo các đợt nắng nóng sẽ vượt quá giới hạn chịu đựng của con người về thể chất và các giới hạn xã hội tại vùng Sừng châu Phi, khu vực Nam Á và Tây Nam Á, từ đó khiến nhiều người tử vong và gây thiệt hại trên diện rộng.

Báo cáo cho rằng tỷ lệ tử vong do nắng nóng cực độ trong tương lai sẽ ở mức cao đáng kinh ngạc, có thể tương đương với tỷ lệ tử vong do tất cả các bệnh ung thư hoặc do tất cả các bệnh truyền nhiễm khác vào cuối thế kỷ này.

Nông dân, trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú có nguy cơ mắc bệnh và tử vong cao hơn cả.

[Số ca tử vong do nắng nóng cao kỷ lục tại vùng England của Anh]

Cũng theo báo cáo, các thảm họa nắng nóng trong năm nay tại nhiều quốc gia như Somalia và Pakistan báo trước một tương lai với nhiều trường hợp khẩn cấp nhân đạo có liên quan đến nắng nóng gay gắt hơn, thường xuyên hơn và khốc liệt hơn, chẳng hạn như tử vong trên diện rộng, gia tăng tình trạng di cư và bất bình đẳng...

Các tác động tổng hợp của quá trình già hóa, Trái Đất ấm lên và đô thị hóa sẽ khiến số người có nguy lâm vào tình cảnh này tại các quốc gia đang phát triển gia tăng đáng kể trong những thập kỷ tới.

Báo cáo trên được OCHA và IFRC công bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Ai Cập.

Hai tổ chức này nhấn mạnh cần phải hành động tích cực ngay lập tức nhằm ngăn chặn thảm họa nắng nóng có thể tái diễn, đồng thời lập những phương án có khả năng giảm thiểu các tác động nghiêm trọng nhất do nắng nóng cực đoan như cung cấp thông tin sớm để giúp người dân và chính quyền phản ứng kịp thời; tìm ra những cách mới để hỗ trợ tài chính cho các hoạt động ở cấp độ địa phương; các tổ chức nhân đạo cần thử nghiệm thêm các "trung tâm làm mát" và nơi trú ẩn khẩn cấp với nhiều độ phù hợp; yêu cầu các cộng đồng thay đổi kế hoạch phát triển của họ để tính đến các tác động nắng nóng cực đoan có thể xảy ra...

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo, ông Martin Griffiths nhấn mạnh nếu không thể kiểm soát được cuộc khủng hoảng khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng gay gắt và lũ lụt đang tác động nặng nề nhất đến những người dễ tổn thương nhất. Không nơi nào có thể cảm nhận được tác động tàn khốc hơn ở các quốc gia đã quay cuồng vì xung đột và nghèo đói.

Trong khi đó, Chủ tịch IFRC Jagan Chapagain kêu gọi các quốc gia tại COP27 đầu tư vào thích ứng và giảm nhẹ khí hậu ở những khu vực có nguy cơ cao nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục