Châu Á tăng cường biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh

Những biện pháp khẩn cấp này được đưa ra trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lây lan nhanh chóng tại các quốc gia.
Châu Á tăng cường biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh ảnh 1Nhân viên phun thuốc khử trùng tại địa điểm công cộng ở Jakarta, Indonesia ngày 19/3/2020, nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thủ đô Jakarta của Indonesia ngày 23/3 đã cho đóng cửa các rạp chiếu phim và nhiều trung tâm giải trí khác để hạn chế tốc độ lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại thành phố này.

Những biện pháp khẩn cấp này được đưa ra trong bối cảnh một số chuyên gia y tế quan ngại rằng Indonesia chưa thực hiện đủ các biện pháp cần thiết để kiềm chế virus SARS-CoV-2.

[Hong Kong cấm tất cả những người không phải cư dân nhập cảnh]

Theo người phát ngôn lực lượng cảnh sát quốc gia Indonesia, nước này đã huy động 465.000 cảnh sát trên toàn quốc để giải tán những cuộc tụ tập tại nơi công cộng vì "sự an toàn của công chúng."

Bên cạnh đó, theo Tổng thống nước này Joko Widodo, các bác sỹ và những nhân viên y tế khác tại những khu vực tuyên bố tình trạng khẩn cấp do COVID-19 ngoài tiền lương sẽ được thưởng thêm từ 5 triệu tới 15 triệu rupiah (khoảng 800 USD) để đối phó với dịch COVID-19.

Ngoài Jakarta, vùng Đông Java của Indonesia cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh trên.

Trong khi đó, tại Myamar, truyền thông nước này cùng ngày đưa tin Bộ Y tế và Thể thao Myanmar (MOHS) đã yêu cầu các lao động di cư từ Thái Lan tự cách ly do nước này không có đủ cơ sở hạ tầng để cách ly nhiều người cùng một lúc.

Theo người đứng đầu bộ trên Myint Htwe, những lao động trên sẽ phải ở nhà trong 14 ngày để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong cộng đồng và trong thời gian này, họ sẽ phải báo cáo hằng ngày với các trung tâm y tế về tình hình sức khỏe.

Tại Malaysia, theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, nước này có thể quyết định kéo dài Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) sau khi mệnh lệnh này kết thúc vào ngày 31/3.

Phát biểu với báo giới ngày 23/3, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết vấn đề trên sẽ do Hội đồng An ninh quốc gia quyết định.

Hội đồng sẽ đánh giá về kết quả thực hiện MCO (có hiệu lực từ 18-31/3), sau đó sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.

Theo ông Muhyiddin, báo cáo từ phía cảnh sát cho thấy, gần 90% người dân đã chấp hành MCO, mệnh lệnh được đưa ra nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại nước này. Chính phủ hy vọng trong những ngày tới, con số này sẽ là 100%.

Cũng theo Thủ tướng Malaysia, chính phủ nước này đã quyết định bổ sung 600 triệu ringgit (143 triệu USD) để mua trang thiết bị, vật tư y tế và tuyển dụng thêm nhân viên y tế nhằm đối phó với COVID-19.

Cụ thể, 500 triệu ringgit trong số kinh phí bổ sung trên sẽ được sử dụng để mua các thiết bị y tế như máy thở, thiết bị chăm sóc đặc biệt thiết yếu (ICU), bổ sung thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) cho nhân viên y tế và các trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm sàng lọc SARS-Cov-2. Số tiền còn lại sẽ giúp Bộ Y tế tuyển dụng thêm 2.000 nhân viên mới, nhất là đội ngũ y tá.

Tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), chính quyền Hong Kong cho biết sẽ cấm nhập cảnh tất cả những người không phải là cư dân của thành phố này từ ngày 25/3 trong bối cảnh Hong Kong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19 từ những người nước ngoài.

Theo Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga, từ đêm 25/3, tất cả những người không phải cư dân của thành phố từ nước ngoài tới sẽ không được phép nhập cảnh và lệnh này sẽ được áp đặt ít nhất 2 tuần.

Song song với việc áp đặt các biện pháp ứng phó với COVID-19, tại nhiều nước và vùng lãnh thổ ở châu Á đã ghi nhận những ca mới nhiễm SARS-CoV-2 và số ca tử vong.

Tại Philippines, Bộ Y tế nước này ngày 23/3 đã xác nhận 8 ca tử vong, đồng thời ghi nhận thêm 16 ca nhiễm virus trên.

Tại Đài Loan (Trung Quốc), chính quyền Đài Loan thông báo 26 ca mới nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca bị mắc bệnh lên 195 ca.

Tại Afghanistan, Bộ Y tế nước này thông báo đã xác nhận thêm 6 ca bị nhiễm virus, nâng tổng số ca bị mắc COVID-19 ở nước này lên 40 ca.

Cũng tương tự như vậy, tại Australia, số ca được xác nhận mắc COVID-19 tăng từ 1.098 ca trong ngày 22/3 lên tới 1.709 ca trong ngày 23/3./.

Đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến 192 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và 1 phương tiện vận chuyển quốc tế (tàu du lịch Diamond Princess có cảng ở Yokohama, Nhật Bản).
Tính đến chiều 23/3 (giờ Hà Nội) tổng số ca mắc COVD-19 trên toàn thế giới là 341.560, trong đó có 14.748 ca tử vong và đã có 99.040 ca được chữa khỏi.
Italy là nước đang có số ca tử vong lớn nhất với con số 5.476 trên tổng số 59.138 ca dương tính với SASR-CoV2, tiếp sau đó là Tây Ban Nha với 1.813 ca tử vong/ 29.909 ca mắc bệnh; Iran: 1685 ca tử vong/21.638 ca mắc bệnh; Pháp:674 ca tử vong/ 16.018 ca mắc bệnh và Mỹ: 458 ca tử vong/35.070 ca mắc bệnh. Các nước có con số tử vong trên 100 gồm: Anh: 281 ca; Hà Lan: 179 ca; Hàn Quốc: 111 ca; Thụy Sĩ: 100 ca; Đức hiện là quốc gia có số người mắc COVID-19 nhiều thứ 5 với 29.909 ca, nhưng những ca tử vong hiện chỉ là 94 ca, đứng thứ 10.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục