Châu Phi thúc đẩy tái chế chất thải và phát triển kinh tế tuần hoàn

Giám đốc điều hành Hội đồng Doanh nghiệp Đông Phi cho biết quản lý chất thải bền vững là chìa khóa để hiện thực hóa một tương lai xanh, kiên cường, thịnh vượng và toàn diện cho các thành phố châu Phi.
Châu Phi thúc đẩy tái chế chất thải và phát triển kinh tế tuần hoàn ảnh 1Tổng thống Kenya William Ruto phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Môi trường sống của Liên hợp quốc tại Nairobi, Kenya, ngày 5/6. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Ngày 6/6, bên lề Hội nghị Môi trường sống của Liên hợp quốc đang diễn ra tại thủ đô Nairobi của Kenya, các đại biểu đã thảo luận về hợp tác thúc đẩy quản lý chất thải hiệu quả ở các nước châu Phi để bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Các quan chức chính phủ, các nhà lãnh đạo ngành và các nhà nghiên cứu đã tổ chức một hội nghị tập hợp sự ủng hộ nhằm thúc đẩy tái chế chất thải và tạo việc làm trong việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Festus Ng'eno, người phụ trách các vấn đề môi trường thuộc Bộ Môi trường, Biến đổi khí hậu và Lâm nghiệp Kenya, cho biết các chính sách mạnh mẽ kết hợp với tài chính, áp dụng công nghệ và đổi mới, là chìa khóa để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở châu Phi.

[Các quốc gia châu Phi có tỷ lệ tuân thủ Hiệp định Paris cao nhất]

Ông Ng'eno cho biết việc cung cấp các kỹ năng kỹ thuật và quỹ cho thanh niên châu Phi sẽ thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tái chế, vốn rất quan trọng đối với việc đổi mới đô thị ở lục địa này.

Ông cũng cho biết Kenya đã hợp tác với các quốc gia châu Phi khác để chia sẻ các phương pháp hay nhất, kinh nghiệm và chuyên môn cần thiết để thúc đẩy hoạt động kinh doanh tái chế chất thải.

Theo Hội đồng Doanh nghiệp Đông Phi, một tổ chức bảo trợ của khu vực tư nhân ở Đông Phi, giá trị của chất thải rắn đô thị được tạo ra ở châu Phi ước tính khoảng 8 tỷ USD hàng năm.

Cơ quan này cũng cho biết chỉ một lượng nhỏ chất thải rắn được tái chế ở lục địa này, làm leo thang cuộc khủng hoảng ô nhiễm ở các thành phố và thị trấn.

John Bosco Kalisa, Giám đốc điều hành của Hội đồng doanh nghiệp Đông Phi, cho biết quản lý chất thải bền vững là chìa khóa để hiện thực hóa một tương lai xanh, kiên cường, thịnh vượng và toàn diện cho các thành phố châu Phi.

Ông Kalisa cũng cho biết nói rằng các doanh nghiệp đã ưu tiên đầu tư vào tái chế chất thải vì nó sẽ cải thiện kết quả kinh tế và sức khỏe cho cộng đồng địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục