Châu Phi và cơ hội đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Châu Phi sẽ gánh chịu những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu trong tương lai và có lượng phát thải khí carbon thấp nhất hiện nay.
Châu Phi và cơ hội đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Pixabay)

Trang theafricareport.com đã đăng bài phân tích về những cơ hội chống biến đổi khí hậu đối với châu Phi tại COP26 trong bối cảnh lục địa sẽ gánh chịu những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu trong tương lai và có lượng phát thải khí carbon thấp nhất hiện nay.

Nội dung như sau:

Theo nhiều cách khác nhau, sự hoảng loạn toàn cầu về COVID-19 vào năm 2020 là một cuộc diễn tập cho thời điểm phần lớn người dân thế giới đối mặt với sức tàn phá của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Những cơn bão có sức tàn phá trên diện rộng và những vùng đất trồng trọt khô cằn sẽ giống như “vết dầu loang” trên khắp các nước sản xuất lương thực hàng đầu thế giới, trong bối cảnh nguồn nước và nguồn cung ứng bị phá hủy.

Những viễn cảnh trên không mấy tốt lành cho người nông dân trên khắp châu Phi, châu Á và châu Mỹ, vốn đang phải trả giá cho sự thờ ơ của những quốc gia giàu có.

[Các nước mới chỉ cam kết giảm chưa tới 1% lượng khí thải vào năm 2030]

Các cuộc chiến tranh giành tài nguyên ở Sahel, vùng Sừng châu Phi và liên quan đến nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào của Cộng hòa Dân chủ Congo đang leo thang, đe dọa hơn nữa đến sự ổn định và phát triển xã hội ở lục địa.

Năm 2020, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã một lần nữa nhấn mạnh tính cấp bách của cuộc khủng hoảng sau khi phát hiện các nước châu Phi đang chi từ 2%-9% GDP cho việc thích ứng và giảm nhẹ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán và những thay đổi về lượng mưa sẽ tiếp tục trong vài thập kỷ tới khi hành tinh ấm lên.

Kịch bản xấu nhất của WMO dự báo nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 4°C vào cuối thế kỷ này, làm giảm GDP trung bình của châu Phi từ 7%-12%, năng suất cây trồng sẽ giảm 13% ở Tây và Trung Phi, giảm 8% ở Đông Phi và phía Nam châu Phi.

Tình trạng ấm lên một cách vừa phải hơn sẽ làm giảm mức tăng trưởng trung bình ở châu Phi từ 3% đến 8%.

Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết số người suy dinh dưỡng ở các nước bị hạn hán đã tăng 45% kể từ năm 2012.

Vì nhiều lý do, năm 2021 sẽ bắt đầu trận chiến cuối cùng về khí hậu. Trước áp lực đóng cửa nền kinh tế để đối phó với COVID-19, các nhà lãnh đạo của những nền kinh tế lớn nhất cũng phải đối mặt với mối đe dọa hủy hoại môi trường.

Những chủ thể lớn nhất liên quan đang tham gia trò chơi mạo hiểm. Điều này khiến Hội nghị COP26 dự kiến được tổ chức tại Glasgow vào tháng 11 tới - sự kiện về khí hậu được đánh giá ngang tầm với Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919 vốn cũng tổ chức trong màn bao phủ của một đại dịch toàn cầu. Đã đến lúc phải tái thiết hệ thống quốc tế.

Gần như tất cả 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc sẽ cử phái đoàn cấp cao tới Glasgow để đàm phán 2 vấn đề chính: thỏa thuận ràng buộc nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu và tăng cường quỹ cho các nền kinh tế đang phát triển thích ứng với tình trạng suy thoái.

Trung Quốc đã cho thấy bước đi cần thiết khi Chủ tịch Tập Cận Bình đơn phương cam kết đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060 – có lẽ không chỉ là chiến thuật hay kế sách đàm phán. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) dựa trên năng lượng hóa thạch không còn khả thi nữa.

Bắc Kinh tính toán rằng nước này phải hành động nếu nền kinh tế và sức mạnh chiến lược của họ tiếp tục mở rộng.

Theo nhà kinh tế chính trị Adam Tooze, lũ lụt xung quanh sông Dương Tử là một thách thức lớn đối với chiến lược chính trị của Bắc Kinh cũng như các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ trên đường phố Hong Kong.

Hai thập kỷ trước thời điểm Trung Quốc được dự đoán sẽ vượt qua Mỹ về GDP, lượng khí thải carbon của cường quốc châu Á này lớn hơn nhiều so với đối thủ kinh tế của họ.

Hiện nay, các công trình than, thép, nhôm và xi-măng của Trung Quốc là vô đối trên phạm vi toàn cầu và cả về lượng khí thải carbon.

Năm 2018, tổng lượng khí thải của Trung Quốc là 9,2 gigatonnes - so với Mỹ và châu Âu là 8,1 gigatonnes.

Khoảng cách đó đang tăng vì những lý do vượt ra ngoài vai trò của Trung Quốc như là công xưởng của thế giới.

Khi Bắc Kinh nghiêng về sản xuất trong nước, chi phí của cuộc chạy đua hối hả để tăng trưởng – cùng với việc di cư ven biển vào nội địa lớn nhất thế giới – đang tăng lên. Đó là đánh giá rủi ro đằng sau kế hoạch phi carbon hóa của Tập Cận Bình.

Trung Quốc, Mỹ và châu Âu tổng cộng phát thải 17,3 gigatonnes carbon, trong khi Ấn Độ, phần còn lại của châu Á, Nam Mỹ và châu Phi cũng tạo ra 17,3 gigatonnes. Khía cạnh đạo đức của phương trình này đang gặp rắc rối.

Châu Âu và Mỹ đã và đang đạt được sự thịnh vượng bằng cái giá của khí hậu thế giới.

Trung Quốc, xét về sức mạnh kinh tế và dân số, sẽ là nước dẫn đầu toàn cầu về chính sách khí hậu trong thế kỷ này. Bắc Kinh coi thảm họa khí hậu dần hiện hữu như mối đe dọa đối với tham vọng địa chính trị của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng có lập trường đàm phán riêng. Mặc dù theo một số phương diện, Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng nước này vẫn cam kết đoàn kết - dù đôi khi kèm theo căng thẳng - với các quốc gia đang phát triển. Đó là cơ hội lớn cho các quốc gia châu Phi trong thương lượng về chính sách khí hậu ở Glasgow.

Tín hiệu của sự thay đổi là sự sụp đổ của dự án nhà máy nhiệt điện than trị giá 2 tỷ USD ở Lamu, Kenya, sau khi Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) và Standard Bank của Nam Phi rút khỏi dự án vì lý do môi trường.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria và tân Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala lập luận rằng châu Phi cần đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thông qua xây dựng các nền kinh tế xanh mới với công nghệ carbon thấp, chẳng hạn như khu phức hợp năng lượng mặt trời Noor của Maroc.

Tổng giám đốc WTO chỉ ra rằng thuế carbon của Nam Phi, được áp dụng vào năm 2020, sẽ cắt giảm 1/3 lượng khí thải vào năm 2035. Với sự phong phú của năng lượng Mặt Trời, gió và địa nhiệt, châu Phi có lợi thế so sánh về năng lượng tái tạo.

Nông nghiệp và lâm nghiệp bền vững ở châu Phi có thể củng cố cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu, đồng thời đóng góp thêm hơn 300 tỷ USD vào GDP của khu vực.

Nếu phương Tây và Trung Quốc có thể thông qua các kế hoạch phi cacbon hóa, những chủ thể này cũng nên giúp đẩy nhanh cuộc cách mạng xanh ở châu Phi, thông qua công nghệ đổi mới sáng tạo và tài chính có mục tiêu.

Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết kế hoạch năng lượng xanh trị giá 2.000 tỷ USD, là một khởi đầu tích cực. Biden chọn John Kerry làm Giám đốc điều hành khí hậu của Mỹ được cho là sẽ mang lại sự nghiêm túc trong quá trình chuẩn bị cho các cuộc đàm phán COP26.

Với việc Trung Quốc, châu Âu và Mỹ đang đưa ra những quan điểm đầy tham vọng về chống biến đổi khí hậu, đâu sẽ là chiến thuật và lập trường đàm phán tốt nhất cho châu Phi?

Nhóm các nhà đàm phán về khí hậu châu Phi (AGN), hiện do Tanguy Gahouma-Bekale của Gabon làm chủ tịch, phải gây sức ép hơn nữa, bởi căng thẳng kinh tế do COVID-19 gây ra.

AGN cần đặt trọng tâm chính vào Quỹ Khí hậu Xanh trị giá 10 tỷ USD hiện đang đứng trước nhu cầu tài trợ lớn và tăng khả năng tiếp cận nhiều hơn cho các dự án châu Phi.

Điểm mấu chốt của chiến lược chống biến đổi khí hậu đối với châu Phi

Các thể chế có vai trò chủ chốt về chống biến đổi khí hậu của lục địa - Liên minh châu Phi (AU) và AfDB - cần dẫn dắt chiến dịch toàn cầu thay mặt cho lục địa trẻ nhất thế giới và đang chịu thiệt hại nhiều nhất do thảm họa khí hậu, trong khi hiện gây ra ít nhất cho quá trình biến đổi khí hậu. Chống biến đổi khí hậu là quá trình lâu dài.

Các lợi ích đối với các công ty năng lượng dầu mỏ và than đá thuộc sở hữu nhà nước - vốn đang hỗ trợ các nền kinh tế quốc gia trên toàn cầu - sẽ ám ảnh các cuộc thương lượng tại COP26 vào tháng 11 tới.

Để đẩy lùi các trở ngại đòi hỏi sự tham dự rộng rãi của người dân trên thế giới, các nhà hoạt động quốc tế và các chiến dịch truyền thông.

Chiến dịch này sẽ cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các nhà ngoại giao của châu Phi do những người trẻ dẫn dắt, bởi chính tương lai của giới trẻ đang bị đe dọa nếu các đại biểu tham dự COP26 tại Glasgow không nhất trí về một thỏa thuận phi carbon hóa toàn cầu triệt để./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục