Chuyên gia lưu ý “hãy nhớ số đo huyết áp như số tuổi của mình”

Tăng huyết áp luôn được coi là “kẻ giết người số một” vì tăng huyết áp có thể gây ra rất nhiều biến chứng nặng nề ở tim, mắt, não, thận và các mạch máu lớn, từ đó gây tàn phế và thậm chí tử vong.
Chuyên gia lưu ý “hãy nhớ số đo huyết áp như số tuổi của mình” ảnh 1(Ảnh minh họa: Phan Sáu/TTXVN)

Theo giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Trưởng Ban điều hành Chương trình quốc gia phòng chống các bệnh Tim mạch, tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch phổ biến nhất trong cộng đồng ở cả trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới bị tăng huyết áp. Mỗi năm cũng có khoảng 9,4 triệu người tăng huyết áp bị tử vong.

Điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam cho thấy, năm 2009 tại 8 tỉnh và thành phố của nước ta thì tỷ lệ tăng huyết áp ở người từ 25 tuổi trở lên là 25,1%; tức là cứ bốn người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp. Theo một số nghiên cứu nhỏ gần đây thì tỷ lệ này gần đây còn đang có khuynh hướng tăng lên một cách khá rõ.

Vấn đề đáng quan tâm hơn là có đến 51,6% người tăng huyết áp nhưng không biết mình đã bị tăng huyết áp; có 38,9% những người đã bị tăng huyết áp nhưng chưa được điều trị và có đến 63,7% người tăng huyết áp được điều trị nhưng không đạt được huyết áp mục tiêu (< 140/90 mmHg).

Tăng huyết áp luôn được coi là “kẻ giết người số một” vì tăng huyết áp có thể gây ra rất nhiều biến chứng nặng nề ở tim, mắt, não, thận và các mạch máu lớn, từ đó gây tàn phế cho người bệnh và thậm chí có thể gây tử vong cho họ.

Tăng huyết áp cũng được coi là “kẻ giết người thầm lặng” vì chỉ có một số ít bệnh nhân thấy có những triệu chứng gợi ý cho họ đi khám bệnh như nhức đầu, chóng mặt, ù tai, cảm giác như có “ruồi bay” trước mặt, mặt đỏ bừng…

Còn rất nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp mà không hề có các triệu chứng cơ năng, các dấu hiệu cảnh báo trước nào. Chỉ đến khi tình cờ khám bệnh hoặc đã bị một triệu chứng nặng nào đó thì mới biết là mình đã bị tăng huyết áp.

Chính vì vậy, biện pháp duy nhất để biết mình có bị tăng huyết áp hay không là phải đo huyết áp để biết được chính xác con số huyết áp của mình.

Khi huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) ≥ 90mmHg là các con số cho biết bạn đã bị tăng huyết áp.

Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam dành lời khuyên cho tất cả mọi người là: Hãy đi đo huyết áp để biết được số đo huyết áp của mình và “hãy nhớ số đo huyết áp như số tuổi của mình.”

Bên cạnh đó, cần điều chỉnh để có một lối sống hợp lý ngay từ lúc còn trẻ. Đó là không nên ăn mặn, không ăn nhiều mỡ động vật hoặc các thức ăn có chứa nhiều cholesterol; hạn chế uống rượu, bia; không hút thuốc lá, thuốc lào; tập thể dục đều đặn hàng ngày; tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; tránh bị lạnh đột ngột; nên khám sức khỏe định kỳ, có kiểm tra số đo huyết áp và làm một số xét nghiệm cơ bản nhất (điện tâm đồ, siêu âm tim, sinh hóa máu…).

Khi đã bị tăng huyết áp hãy tích cực điều chỉnh lối sống hợp lý và tuân thủ phác đồ điều trị mà thầy thuốc đã hướng dẫn và cần ghi nhớ điều trị tăng huyết áp là phải điều trị lâu dài, liên tục.

Để tích cực hưởng ứng “Ngày tăng huyết áp thế giới” năm nay và hưởng ứng phong trào MMM (May Measurement Month = Tháng Năm đo huyết áp) do Hội tăng huyết áp quốc tế (ISH) khởi xướng; Hội Tim mạch Việt Nam, Viện Tim mạch Việt Nam-Bệnh viện Bạch Mai và Chương trình Quốc gia phòng chống các bệnh tim mạch Việt Nam đã phát động “Tuần lễ đo huyết áp” trong tháng 5/2018.

Chương trình nhận được sự hưởng ứng và triển khai tích cực tại 25 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Mục đích của chương trình là nâng cao nhận thức của toàn xã hội về căn bệnh rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được này và giúp chủ động phát hiện những người bị tăng huyết áp trong cộng đồng mà trước đó chưa hề biết và chưa được điều trị gì./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục