Cơ hội cho Việt Nam trước làn sóng chuyển dịch từ Web 2.0 sang Web 3.0

Ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin tại Việt Nam lựa chọn đầu tư nguồn lực vào Web 3.0. Với thế mạnh về lập trình và người dùng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội trên thị trường blockchain.
Cơ hội cho Việt Nam trước làn sóng chuyển dịch từ Web 2.0 sang Web 3.0 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: netweb.vn)

Web 3.0 được hiểu là thế hệ web thứ 3 - nơi mà người dùng có thể tham gia vào việc quản trị và vận hành các giao thức web một cách phi tập trung chứ không chỉ là khách hàng của các "ông lớn" như ở thế hệ web 2.0.

Web 3.0 là một môi trường rộng lớn ứng dụng blockchain, nơi các lĩnh vực như Defi (tài chính phi tập trung), NFT (tài sản không thể thay thế), vũ trụ ảo (metaverse) hay DAO (tổ chức tự trị phi tập trung) có điều kiện phát triển mạnh mẽ.

Tại Việt Nam, ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đầu tư cho sự phát triển mạnh mẽ của blockchain và Web 3.0. Với thế mạnh về lập trình và người dùng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội tại thị trường blockchain trong khu vực Đông Nam Á.

Cơ hội dành cho web 3.0

Trong vài năm qua, nhà đầu tư thế giới đã "đổ xô" đến Việt Nam và thành lập các quỹ đầu tư chuyên về blockchain. Lượng vốn đổ vào tài sản NFT cũng tăng vọt từ 37 triệu USD lên 4,8 tỉ USD vào năm 2021, theo báo cáo của Finder.

Các chuyên gia cho rằng sở dĩ có việc trên là bởi Việt Nam có khoảng 5,9 triệu người, tương đương 6,1% dân số có tiếp xúc với các tài sản ứng dụng công nghệ blockchain như tiền mã hóa hay NFT. Con số này được dự đoán sẽ tăng gấp 30 lần cho đến năm 2030.

Việt Nam cũng nằm trong top những quốc gia có tỉ lệ tiếp nhận tiền mã hóa lớn nhất thế giới năm 2021, theo số liệu từ Chainalysis. Đây chính là tiền đề quan trọng để Web 3.0 có cơ hội phát triển.

[Web 3.0 và kỳ vọng về một cuộc cách mạng dữ liệu toàn cầu]

Ông Hùng Đinh, CEO của RADA (Cộng đồng đầu tư Blockchain) người đã có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ trên nền tảng Web 2.0, khẳng định thị trường Web 2.0 đã quá chật chội khi các ông lớn công nghệ như Google, Facebook hay Amazon đã gần như độc chiếm thị trường. 

Vì vậy, CEO Hùng Đinh đã quyết định dồn toàn lực vào Web 3.0 hơn một năm nay và ông không phải người duy nhất. Appota Group, đơn vị cung cấp các giải pháp và nền tảng cho ngành công nghiệp giải trí số tại Việt Nam với hơn 50 triệu người dùng trên toàn cầu cũng đang trong quá trình chuyển dịch sang Web 3.0. 

Ông Jason Trần, đồng sáng lập của Appota Group và CEO của AceStarter Launchpad nhận định: "Trong 10 người bạn của tôi thì chỉ có 1 người biết đến blockchain. Lĩnh vực này còn quá mới mẻ và nhiều cơ hội cho nhà phát triển Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế."

Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện phát triển Web 3.0

Trên thực tế đã có rất nhiều startup Việt nắm bắt cơ hội và ghi được dấu ấn trên thế giới như Axie Infinity, Kyber Network hay Coin98. Ông Jason Trần cho rằng câu chuyện thành công của các dự án này đã tạo động lực đáng kể để các nhà phát triển Việt Nam tham gia vào thị trường Web 3.0. Đáng chú ý, chỉ trong sáu tháng cuối năm 2021, các dự án trong nước đã gọi vốn được tổng cộng hơn 500 triệu USD. 

Dưới góc nhìn từ quỹ đầu tư, ông James Wo, người sáng lập và CEO quỹ DFG nhấn mạnh rằng đội ngũ sáng lập và phát triển là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của một dự án Web 3.0.

"Với cộng đồng lập trình viên tài năng và nhạy bén với các công nghệ mới, Việt Nam rất có khả năng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo ở Đông Nam Á hoặc thậm chí trên toàn thế giới trong đợt tăng trưởng tiếp theo của thị trường blockchain," bà Joanna Liang, đồng sáng lập và CEO quỹ đầu tư Jsquare nhận định.

Về tiềm năng phát triển của web 3.0 tại Việt Nam, Hoàng tử Heinrich Donatus, hậu duệ Hoàng gia Đức từng nhận định tại talkshow mang tên "The Next Power" vào cuối tháng 7/2022 rằng, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có cơ hội to lớn hơn nhiều so với các nước phương Tây về công nghệ Web 3.0.

Theo ông, các nước phương Tây có cơ sở hạ tầng quá vững chắc vô tình lại trở thành rào cản cho việc triển khai những thứ mới. Trong khi đó các quốc gia như Việt Nam lại có cơ hội nhảy vọt và bỏ qua những bước phát triển như phương Tây, thậm chí vượt qua họ.

Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện tại nằm trong top 10 về outsourcing và đứng thứ 6 về kỹ năng lập trình trên toàn thế giới. Điều này chứng tỏ đội ngũ phát triển trong nước có năng lực và nền tảng đủ tốt để tiến xa hơn trong lĩnh vực công nghệ, cụ thể là Web 3.0.

Cơ hội cho Việt Nam trước làn sóng chuyển dịch từ Web 2.0 sang Web 3.0 ảnh 2Bà Helena Wang, Giám đốc Parity Technologies khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trình bày tổng quan hệ sinh thái Polkadot và chiến lược phát triển tại khu vực. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các hệ sinh thái blockchain lớn như Solana, NEAR và Polkadot đều bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến cộng đồng lập trình viên tài năng với thế mạnh xây dựng và phát triển ứng dụng hướng đến người dùng cuối. 

SubWallet là một ví dụ điển hình của nỗ lực cải tiến trải nghiệm người dùng với ví Web 3.0 của Polkadot từ đội ngũ phát triển người Việt. Bà Riley Trần, đồng sáng lập và CIO của GFI Ventures khẳng định rằng những ứng dụng thân thiện với người dùng như SubWallet là vô cùng cần thiết cho sự phát triển của các hệ sinh thái blockchain.

Bà Helena Wang, Giám đốc Parity Technologies khu vực châu Á -Thái Bình Dương cho biết: "Nguồn nhân lực phát triển Web 3.0 và cộng đồng người dùng blockchain tại Việt Nam chắc chắn sẽ là động lực quan trọng trong quá trình phát triển của hệ sinh thái Polkadot."

Với sự phát triển mạnh mẽ của blockchain trong những năm gần đây, Web 3.0 được kỳ vọng là một bước tiến đột phá giúp cho Internet trở nên tốt đẹp và an toàn hơn. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng khiến  các tổ chức và doanh nghiệp công nghệ quyết định chuyển dịch và xây dựng các dự án Web 3.0./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục