''Cơn gió thoảng'' trong quan hệ Malaysia-Trung Quốc

Có thể sắp xảy ra sự thay đổi nào đó trong mối quan hệ im lìm của Malaysia với Trung Quốc, mặc dù sự thay đổi có thể đến theo nhiều cách khác nhau, song chắc chắn không làm hài lòng Bắc Kinh.
''Cơn gió thoảng'' trong quan hệ Malaysia-Trung Quốc ảnh 1(Nguồn: bangkokpost.com)

Theo trang mạng eurasiareview.com, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Malaysia không phải là không có xung đột mặc dù giới quan sát bên ngoài có thể không nhận ra điều này.

Lý do là Malaysia lâu nay luôn giữ kín những bất đồng của mình với Bắc Kinh.

Một trong những bất đồng ấy là những tuyên bố chủ quyền chồng lấn của hai bên ở Biển Đông. Với bất đồng này, mặc dù Bắc Kinh luôn có hành động gây hấn, từ việc đánh bắt cá tại ngư trường gần Bãi cạn Luconias do Malaysia tuyên bố chủ quyền đến việc quấy rối tàu khai thác tài nguyên của Malaysia, song phản ứng của Kuala Lumpur đối với Bắc Kinh chỉ là sự nín lặng.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi cuối những năm 2010, Thủ tướng Malaysia khi đó là Najib Razak đã bảo vệ các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc triển khai ở Malaysia mặc dù các dự án này bị chỉ trích là chi phí cao và giám sát kém.

[Cựu Thủ tướng Malaysia phủ nhận sai phạm trong dự án với Trung Quốc]

Trên thực tế, ông còn kêu gọi thiết lập mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc và mua tàu chiến của nước này để trang bị cho hải quân trong nước.

Mặc dù ông Najib đã cố gắng làm hài hòa và xoa dịu những vấn đề to tát nhất đối với Trung Quốc, song ông đã không thể tránh hết được sai sót, nhất là sau vụ bê bối liên quan cuộc điều tra Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB), trong đó bằng chứng cho thấy ông đã “dính” tham nhũng trong các dự án có vốn vay từ Trung Quốc.

Vụ bê bối này đặt ra nghi vấn về những động cơ đằng sau chính sách thân thiện với Bắc Kinh của Kuala Lumpur.

Những nghi vấn này luôn lửng lơ ở hậu trường do quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của Malaysia chưa từng minh bạch thực sự. Chỉ có một số quan chức cấp cao tham gia quá trình ra quyết sách đối ngoại mà không hề có các thảo luận chính sách công khai nào. Điều này đã xảy ra với 3 đời thủ tướng trước đó và không có dấu hiệu nào cho thấy thời Thủ tướng Mahathir Mohamad hiện nay sẽ thay đổi thực tiễn này.

Mặc cả với “gã khổng lồ”

Nhiều tháng sau khi trở lại quyền lực, dường như Thủ tướng Mahathir thực hiện quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc. Ông đã hủy một dự án do Trung Quốc đầu tư đồng thời cảnh báo nguy cơ rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc.

Thế nhưng sau đó, ông đã thay đổi quan điểm này.

Sau khi Bộ trưởng Kinh tế Malaysia công khai nói rằng nước này có thể hủy triển khai một dự án thuộc BRI, nhưng ông Mahathir lại ra lệnh giới chức chính phủ phải “giữ mồm giữ miệng” về bất kỳ tuyên bố cam kết nào với dự án này. Ông Mahathir đã gây bất ngờ khi tuyên bố Malaysia đã thương lượng lại về chi phí cho dự án này và sẽ tiếp tục triển khai dự án.

Giới quan sát Trung Quốc kết luận rằng việc Mahathir gây ra tranh cãi và phản đối ban đầu về dự án chỉ là một chiêu bài để đạt được một thỏa thuận có lợi hơn cho Malaysia. Kết luận này có thể đúng. Khi dự án này được tái đàm phán, ông Mahathir đã quay trở lại vị thế thỏa hiệp lâu nay với Bắc Kinh.

Khi lý giải cách tiếp cận của mình với Trung Quốc, ông Mahathir thường viện dẫn mối quan hệ kinh tế mật thiết của Malaysia với “gã khổng lồ” láng giềng này. Ngay cả thực tế đúng như vậy thì lập luận mang tính kinh tế này của Thủ tướng Malaysia vẫn bộc lộ những hạn chế.

Ví dụ, Ấn Độ chứ không phải Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu cọ lớn nhất của Malaysia. Mặc dù vậy, Mahathir lâu nay vẫn có xu hướng thân với Trung Quốc hơn là với Ấn Độ.

Điều đáng nói là thông qua các cuộc tái thương lượng về dự án nói trên, Thủ tướng Mahathir đã kiềm chế không gây sức ép trước các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Những nhân tố của sự thay đổi

Giới lãnh đạo Malaysia lâu nay đánh cược rằng họ có thể đạt được nhiều tiến triển hơn với Trung Quốc thông qua việc thích nghi hơn là đối đầu.

Hồi năm 2013, Trung Quốc bắt đầu điều động một trong những tàu hải cảnh của mình đến vùng lãnh hải gần Bãi cạn Luconia mà Malaysia tuyên bố chủ quyền.

Malaysia đã bỏ qua việc này trong vòng 2 năm trước khi cựu Thủ tướng Najib nêu vấn đề này với Tập Cận Bình. Kể từ đó, dù cuối cùng đã di dời tàu hải cảnh nói trên nhưng Trung Quốc lại điều động một tàu khác và duy trì sự hiện diện thường xuyên gần Bãi cạn Luconia.

Mặc dù vậy, ông Mahathir phần lớn đi theo cách cũ là im lặng khi xử lý tranh chấp hàng hải với Trung Quốc. Đến tháng 9/2019, Ngoại trưởng Malaysia tuyên bố nước này sẽ tiến hành đối thoại song phương với Bắc Kinh, điều mà Trung Quốc lâu nay tìm kiếm, với hy vọng đàm phán có thể tìm ra giải pháp.

Tuy nhiên 3 tháng sau đó, Malaysia lại khiến Trung Quốc bất ngờ khi nước này đệ trình Liên hợp quốc hồ sơ xin công nhận thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông, một động thái chắc chắn chọc giận Bắc Kinh.

Khi quay trở lại chính trường Malaysia với cương vị thủ tướng năm 2018, ông Mahathir tuyên bố sẽ chỉ tại nhiệm 2 năm rồi nhường lại vị trí này cho Anwar Ibrahim, một đối thủ chính trị mà ông Mahathir hợp tác để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018.

Tuy nhiên, một năm sau đó, ông Mahathir cho rằng việc chuyển giao này có thể diễn ra sau 3 năm và sẽ không diễn ra trước tháng 11/2020. Trong khi đó, ông Anwar Ibrahim tuyên bố vẫn hy vọng sẽ kế nhiệm Mahathir vào tháng 5/2020.

Cho dù vào thời điểm nào thì ông Mahathir cũng sẽ sớm rời chính trường Malaysia và điều đó có thể đem lại sự thay đổi thực sự ở Kuala Lumpur.

Ngay cả khi quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của Malaysia tiếp tục bị quản lý chặt chẽ thì sự thay đổi có thể đến với quốc gia Đông Nam Á này nếu giới chính trị gia có tư tưởng đổi mới nắm giữ các vị trí hàng đầu trong chính phủ Malaysia.

Trước đây, ông Anwar đã tuyên bố rằng Chính phủ Malaysia cần đóng một vai trò quyết đoán hơn trong các vấn đề quốc tế. Nền chính trị của Malaysia cũng sẽ thay đổi. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều cuộc thảo luận công khai hơn về quan hệ quốc tế của Malaysia, bao gồm cả quan hệ với Trung Quốc.

Vì vậy, có thể sắp xảy ra sự thay đổi nào đó trong mối quan hệ im lìm của Malaysia với Trung Quốc. Mặc dù sự thay đổi có thể đến theo nhiều cách khác nhau, song chắc chắn không số nào trong đó làm hài lòng Bắc Kinh.

Malaysia cũng chỉ dám cằn nhằn về chủ quyền lãnh hải của họ. Nếu Malaysia lên tiếng mạnh mẽ hơn về những quan ngại của họ và được lãnh đạo được bầu của họ hưởng ứng thì quan hệ đối ngoại của Malaysia với Trung Quốc có thể sẽ đổi chiều./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục