Công ty SpaceX đưa nhiều "hành khách đặc biệt" lên Trạm ISS

Tàu Dragon đưa vào không gian những con mực xúc tu ngắn, con gấu nước để giúp các nhà khoa học nghiên cứu sự tương tác giữa vi khuẩn và các sinh vật chủ của chúng trong môi trường không trọng lực..
Công ty SpaceX đưa nhiều "hành khách đặc biệt" lên Trạm ISS ảnh 1Tàu Dragon. (Nguồn: SpaceX)

Công ty SpaceX ngày 3/6 đã phóng tàu Dragon vào quỹ đạo Trái Đất, nhằm chở vật tư phục vụ cho các thí nghiệm khoa học thực hiện trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Khoảng 12 phút sau khi rời bệ phóng tại bang Florida (Mỹ), tàu Dragon đã tách khỏi tên lửa Falcon 9 và dự kiến sẽ kết nối Trạm ISS vào ngày 5/6.

Chuyến đi lần này đưa một số hành khách đặc biệt vào không gian, đó là những con mực xúc tu ngắn (bobtail squid) và những con gấu nước (tardigrade) - loại sinh vật siêu nhỏ, có sức sống bền bỉ nhất thế giới hiện nay.

Những loài vật nhỏ bé này được kỳ vọng sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu tác động của môi trường không trọng lực đối với sự tương tác giữa vi khuẩn và các sinh vật chủ của chúng.

Những con mực trên sẽ được chia thành hai nhóm, trong đó một nhóm sẽ tiếp xúc với vi khuẩn khi lên ISS. Sau 12 giờ thí nghiệm, những con mực này sẽ được lưu giữ hiện trạng cho đến khi trở về Trái Đất phục vụ công tác nghiên cứu.

[SpaceX phóng thử thành công nguyên mẫu tên lửa đưa người lên sao Hỏa]

Ông Jamie Foster - một chuyên gia hàng đầu tham gia thử nghiệm này, cho biết: "Các loài động vật, bao gồm cả con người, dựa vào vi sinh vật để duy trì hệ tiêu hóa và miễn dịch. Chúng ta hiện chưa nắm rõ liệu những chuyến bay vào vũ trụ có làm thay đổi mối tương tác có lợi này hay không."

Theo ông, trong tương lai, thí nghiệm này có thể giúp các nhà khoa học phát triển các kỹ thuật để bảo vệ sức khỏe của các phi hành gia tham gia những nhiệm vụ dài hạn trong không gian.

Trong khi đó, gấu nước có thể chịu được mức bức xạ cực lớn và môi trường khắc nghiệt (khi cực nóng, lúc cực lạnh) của vũ trụ. Chúng cũng có thể tồn tại nhiều thập kỷ mà không cần tới thức ăn. Loài động vật 8 chân, trông như một ấu trùng này có thể hồi sinh sau khi "chết khô" trong nhiều thập kỷ. Chúng cũng chịu được áp suất gần bằng 0 bên ngoài không gian và độ sâu của Rãnh Mariana - nơi sâu nhất trên thế giới.

Trong chuyến đi lần này, tàu Dragon cũng sẽ mang theo bông, một thiết bị siêu thanh di động và một quả thận nhân tạo của người để nghiên cứu nguy cơ hình thành sỏi thận khi các phi hành gia sống và làm việc trong môi trường không trọng lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục