'COVID-19 làm thay đổi cách tiếp cận trong phòng, chống HIV/AIDS'

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, dịch COVID-19 đã làm cho nhiều người khó tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS và hậu quả dễ nhận thấy là số người nhiễm HIV gia tăng so với năm 2020.
'COVID-19 làm thay đổi cách tiếp cận trong phòng, chống HIV/AIDS' ảnh 1Nhân viên y tế hỗ trợ tư vấn về phòng chống HIV/AIDS. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Năm qua, dịch COVID-19 đã lan rộng ra toàn thế giới và tại Việt Nam. Dịch gây ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội nói chung và công tác điều trị, phòng chống HIV/AIDS nói riêng.

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã có những chia sẻ với báo chí nhân Ngày Thế giới Phòng chống AIDS (1/12) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

- Xin ông cho biết tình hình dịch HIV/AIDS và xu hướng dịch HIV ở Việt Nam hiện nay?

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long: Tại Việt Nam, số người nhiễm HIV đang còn sống được báo cáo là 212.769 trường hợp. Số người nhiễm HIV tử vong lũy tích đến nay là 108.849 trường hợp. Trong năm 2021, các tỉnh tiếp tục rà soát các trường hợp nhiễm HIV chưa tham gia điều trị để tư vấn điều trị, trong quá trình rà soát phát hiện nhiều trường hợp tử vong chưa được báo cáo và cũng trong quá trình rà soát có một số trùng lặp và đã được loại bỏ.

Tính từ đầu năm 2021 tới nay, cả nước ghi nhận 10.925 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84,8% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16-29 (46%) và 30-39 (29%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (79,1%) và qua đường máu (9,9%). Cũng từ đầu năm 2021 tới nay, Việt Nam ghi nhận 1.528 trường hợp tử vong. Ước tính đến hết năm 2021, cả nước phát hiện khoảng 13.000 trường hợp HIV dương tính và 2.000 trường hợp tử vong.

Hiện nay, tại Việt Nam, lây truyền qua đường quan hệ tình dục không an toàn tiếp tục là đường lây chính trong lây nhiễm HIV và tỷ lệ này ngày càng tăng (từ 65,1% vào năm 2019 tăng lên 75,8 vào năm 2020 và hiện tại là 79,1%). Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao giảm nhưng tỷ lệ này trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. MSM đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.

- Nhìn lại 1 năm vừa đối phó với đại dịch COVID-19, ông có thể tổng kết lại những kết quả nổi bật về phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 và những khó khăn, thách thức cũng như định hướng cho những năm tiếp theo?

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long: Trong năm 2021, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp quy liên quan đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII ra Chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 ngày 06/7/2021. Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 30/6/2021…

'COVID-19 làm thay đổi cách tiếp cận trong phòng, chống HIV/AIDS' ảnh 2Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Đến nay, trên toàn quốc có khoảng 1.300 cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm, 201 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính tại 63 tỉnh triển khai tư vấn xét nghiệm cho khoảng 1,7 triệu lượt người, trong đó số lượt xét nghiệm có kết quả dương tính với HIV là khoảng 12.000 trường hợp.

Bộ Y tế triển khai hoạt động tự xét nghiệm HIV tại 33 tỉnh, thành phố thuộc địa bàn các tỉnh dự án của PEPFAR và Quỹ toàn cầu hỗ trợ. Cả nước có 478 cơ sở điều trị HIV (trong đó 270 cơ sở điều trị HIV thanh toán qua Quỹ bảo hiểm y tế), 38 trại giam, trung tâm 6 và 2 trại tạm giam. Hiện cả nước đang điều trị cho khoảng 161.000 người, trong đó có hơn 85.000 bệnh nhân điều trị ARV thanh toán qua nguồn bảo hiểm y tế, chiếm khoảng 53% tổng số bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc ARV.

Những năm qua, ngành y tế đã triển khai đa dạng mô hình thông tin giáo dục truyền thông về HIV/AIDS như đẩy mạnh truyền thông qua mạng xã hội như các trang thông tin điện tử (website); facebook, ticktok, các diễn đàn và truyền thông đại chúng, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 hạn chế tiếp cận trực tiếp. Các hình thức tiếp cận cộng đồng, truyền thông cá nhân, nhóm và các hình thức khác vẫn được triển khai đa dạng nhất là với các địa phương dịch COVID-19 không bị ảnh hưởng nhiều.

Về mục tiêu 90-90-90: Tính đến nay Việt Nam đã đạt số người biết tình trạng nhiễm HIV đạt 89%, trong đó số người được điều trị ARV đạt 76%, số đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96% .

[Bất bình đẳng - rào cản trong cuộc chiến chống dịch bệnh AIDS]

Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức vẫn còn khi hiện nay HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Ước tính có khoảng 230.000 người nhiễm HIV còn sống. Mỗi năm phát hiện mới hơn 12.000 người nhiễm HIV và khoảng 2000 người nhiễm HIV tử vong hàng năm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao tuy có giảm nhưng riêng trong nhóm MSM lại tăng mạnh trong những năm gần đây.

- Năm 2021, dịch COVID-19 đã tác động đến các hoạt động giám sát, xét nghiệm phát hiện bệnh HIV/AIDS như thế nào thưa ông?

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long: Ở tuyến Trung ương, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các tỉnh/thành phố triển khai giãn cách xã hội, các hoạt động triển khai bị gián đoạn. Điển hình như nhân lực ngành y tế từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là Trung tâm phòng, chống bệnh tật các tỉnh/thành phố tập trung lực lượng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nên ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động chung và hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nói riêng.

Việc triển khai giám sát quản lý chất lượng xét nghiệm ít nhiều bị chậm tiến độ do việc tham gia điều động nhân lực sang hỗ trợ xét nghiệm COVID-19, gửi mẫu ngoại kiểm chậm tiến độ do giãn cách, giám sát xét nghiệm chủ yếu thực hiện qua hỗ trợ trực tuyến.

Ở địa phương, công tác xét nghiệm phục vụ hoạt động sàng lọc, chẩn đoán và theo dõi điều trị tại các tỉnh có dịch COVID-19 trong thời gian phong tỏa, giãn cách bị ảnh hưởng. Chẳng hạn như khách hàng không đến tiếp cận với các cơ sở xét nghiệm cố định, nhân viên phòng xét nghiệm ở các tuyến huyện/tỉnh chịu nhiều áp lực do chủ yếu ưu tiên cho xét nghiệm COVID-19… Vì vậy, để đảm bảo xét nghiệm HIV kịp thời, nhân viên y tế thường hay phải làm việc quá thời gian.

Tại tuyến cộng đồng, một số nơi giãn cách xã hội, cộng tác viên, đồng đẳng viên về quê, đi cách ly cũng ít nhiều ảnh hưởng đến việc kết nối giữa cộng đồng với dịch vụ y tế, Thiếu các vật dụng phòng dịch và tâm lý lo lắng do COVID-19 nên hạn chế công tác tiếp cận tại cộng đồng. 

- Phó giáo sư có thể phân tích những điểm mới trong tiếp cận và xét nghiệm HIV/AIDS tại Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19?

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long: Trong bối cảnh dịch COVID-19, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới triển khai cung ứng sinh phẩm tự xét nghiệm HIV qua trang thông tin điện tử, đang triển khai tại 4 tỉnh/thành phố: Cần Thơ (11/2020), Hà Nội, Nghệ An (04/2021) và Bình Dương (11/2021). Bước đầu ghi nhận kết quả khoảng 10% người nhận sinh phẩm có phản hồi kết quả “có phản ứng” và được kết nối với dịch vụ xét nghiệm khẳng định và điều trị ARV.

Bộ Y tế đã hướng dẫn địa phương triển khai nhiều chiến dịch trực tuyến mang tên “Hãy ở nhà và tự xét nghiệm” đã đưa ra phương án lựa chọn cho phép mọi người có thể đặt hàng bộ tự xét nghiệm qua điện thoại, tin nhắn hoặc qua nền tảng đặt hàng trực tuyến. Hàng chục nghìn bộ tự xét nghiệm HIV được vận chuyển, chuyển phát qua đường bưu điện hoặc là được giao tới cho những người có nhu cầu xét nghiệm.

Đa số khách hàng đặt mua bộ xét nghiệm đều là nam giới trẻ tuổi có quan hệ tình dục đồng giới và ở độ tuổi từ 19 đến 24, trong đó khoảng 30% chưa từng xét nghiệm HIV trước đó, 85% khách hàng đặt mua bộ tự xét nghiệm cho biết chính những nội dung trực tuyến đó đã khiến họ muốn xét nghiệm HIV.

Hoạt động này có ý nghĩa duy trì sự sẵn có của dịch vụ tự xét nghiệm HIV trong và sau lệnh phong tỏa do COVID-19 là một biện pháp cần thiết để đảm bảo những người có nguy cơ nhiễm HIV, trong đó bao gồm cả những người chưa từng thực hiện xét nghiệm HIV trước đó, có thể tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV an toàn trong giai đoạn đại dịch COVID-19 mà không bị gián đoạn...

- Tại sao năm 2021 Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS là “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch COVID-19”?

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long: Tại Việt Nam, trong thời gian qua, dịch COVID-19 đã làm cho nhiều người khó tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS và hậu quả dễ nhận thấy là số người nhiễm HIV gia tăng so với năm 2020. Theo báo cáo từ các địa phương, số người nhiễm HIV được phát hiện trong 9 tháng đầu năm 2021 có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhằm ứng phó kịp thời với các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 tới chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Chính phủ, Bộ Y tế cũng như các địa phương đã triển khai hàng loạt các giải pháp để tăng cường phòng, chống HIV như xây dựng và ban hành kịp thời các hướng dẫn đáp ứng khẩn cấp để duy trì tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Đó là các hướng dẫn như: Hướng dẫn tiếp cận với khách hàng qua các ứng dụng online; hướng dẫn khách hàng tự xét nghiệm HIV; Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; Đáp ứng khẩn cấp trong lĩnh vực điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bao gồm cả cấp thuốc cho người bệnh mang về và điều trị ARV (cấp thuốc nhiều tháng cho người bệnh)...

Dự báo dịch COVID-19 có thể còn kéo dài và có thể sẽ sống chung với dịch trong tình hình mới, do vậy song song với phòng, chống dịch, các địa phương cần tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Xin trân trọng cảm ơn Phó giáo sư!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục