Cứu giống cá hô thoát nguy cơ tuyệt chủng

Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ đã thực hiện thành công chương trình nghiên cứu bảo tồn, sinh sản nhân tạo cá hô.
Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ đã cứu giống cá hô khổng lồ đặc hữu sông Mekong thoát nguy cơ tuyệt chủng với việc thực hiện thành công chương trình nghiên cứu khoa học bảo tồn, sinh sản nhân tạo loài cá này.

Chương trình bắt đầu từ năm 2005, hoàn thành năm 2009 với thành công là cho sinh sản được cá hô trong môi trường nhân tạo, tiến tới ươm cá bột thành cá giống, cung ứng rộng rãi đáp ứng nhu cầu nuôi của nhân dân.

Hiện nay, trong cả nước, trung tâm là nơi duy nhất cho sinh sản nhân tạo cá hô với sức sinh sản từ 20.000 - 40.000 trứng/kg cá cái và là nơi cung ứng cá hô giống với sản lượng hàng năm trên 200.000 con.

Tỷ lệ cá bột ương lên cá hương đạt 42 - 54% sau 30 ngày ương. Cá hương lên cá giống ương trong 30 ngày với tỉ lệ sống đạt 42 - 47%.

Theo tiến sĩ Phạm Văn Khánh, Giám đốc trung tâm, cá hô là loài duy nhất của giống Catlocarpio, có kích thước lớn nhất trong họ cá chép Cypyrinidae với trọng lượng có thể đạt tới 100 - 200 kg/con và cũng là loài cá quý hiếm đặc hữu của hệ sông Mekong.

Trước đây, cá hô phân bố khắp hạ lưu sông Mekong, tập trung nhiều nhất tại khu vực sông Vàm Nao (An Giang). Tuy nhiên, gần đây với đà khai thác, đánh bắt theo kiểu tận thu khiến cho nguồn lợi thủy sản nói chung ngày một cạn kiệt, trong đó giống cá hô bị đe dọa tuyệt chủng.

Hiện, giống cá này đã gần như vắng bóng hẳn trong tự nhiên, kể cả trên sông Vàm Nao vốn trước kia được xem là một trong địa bàn cư trú chính của cá.

Tiến sĩ Khánh cho biết, trong những năm 2002 - 2005, trung tâm đã cử cán bộ đi sưu tầm cá hô trong dân để đem về nuôi vỗ phục vụ nhu cầu nghiên cứu và sinh sản nhân tạo. Hễ biết nơi nào ngư dân đang nuôi hoặc đánh bắt được cá hô, cán bộ của trung tâm đều đến tìm mua bằng được.

Kết quả, trung tâm đã có đàn cá bố mẹ trên 200 con với trọng lượng trung bình 15 - 20 kg/con, con lớn nhất nặng đến 30kg.

Cho sinh sản nhân tạo cá hô là thành công lớn của Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ. Nếu trước đây, trong môi trường tự nhiên cá hô chỉ sinh sản từ tháng 7 - 8 hàng năm thì trong môi trường nhân tạo, Trung tâm chủ động kéo dài được mùa sinh sản của cá từ tháng 3 đến tháng 10 trong năm.

Đặc biệt, với qui trình kỹ thuật đúc kết được, các nhà khoa học có thể chủ động cho cá đẻ nhiều lần trong năm. Thời gian giữa 2 lần đẻ ngắn nhất là 36 ngày.

Thạc sĩ Thi Thanh Vinh, Trưởng bộ môn Giống và Công nghệ nuôi thủy sản thuộc trung tâm, đồng thời cũng là người trực tiếp thực hiện qui trình sinh sản nhân tạo cá hô cho biết, kinh nghiệm cho thấy nuôi cá hô trong ao mương, trung bình cá tăng trọng 0,8 kg/năm, sau 3 năm nuôi đạt trọng lượng trung bình 6 kg/con có thể bán ra thị trường.

Nếu so sánh với một số loại cá khác trong họ thì cá hô là một trong những loài có mức tăng trọng nhanh nhất. Cá hô có thể nuôi riêng với mật độ thả từ 3 - 4 con/m2 mặt nước hoặc nuôi ghép với các loại cá khác trong ao, trong lồng bè với mật độ 0,1 con/m2 mặt nước hoặc nuôi trong hồ chứa...

Hiện nay, giá trị kinh tế của cá hô rất cao bởi chất lượng thịt ngon, thị trường rất ưa chuộng, nhất là tại các nhà hàng cao cấp, các siêu thị với giá mua vào đạt kỷ lục 80.000 - 100.000 đồng/kg tùy thời điểm.

Từ chỗ giúp cá hô tránh được nguy cơ tuyệt chủng, Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ đã giúp nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đưa thêm đối tượng thủy đặc sản mới có giá trị kinh tế cao vào cơ cấu nuôi trồng để tăng thu nhập, ổn định đời sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục