Bài 1: Du lịch vùng Đông Nam Bộ vẫn chưa tương xứng tiềm năng

Đánh thức ngành “công nghiệp không khói" ở khu vực Đông Nam Bộ

Phóng viên TTXVN giới thiệu chùm bài viết "Đánh thức ngành 'công nghiệp không khói' ở khu vực Đông Nam Bộ" với giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, góp phần phục hồi ngành du lịch sau đại dịch.
Đánh thức ngành “công nghiệp không khói" ở khu vực Đông Nam Bộ ảnh 1Du khách trải nghiệm tour du lịch sinh thái hồ Trị An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân của cả vùng, cùng các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động nhất cả nước.

Theo thống kê, năm 2020, Đông Nam Bộ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả nước 32% tổng sản phẩm quốc nội và 44,7% thu ngân sách nhà nước.

Đối với “ngành công nghiệp không khói,” theo đánh giá của giới chuyên gia và chính quyền các địa phương, du lịch Đông Nam Bộ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của một vùng giàu văn hóa lịch sử, đa dạng về tài nguyên và dồi dào về nguồn nhân lực.

Để đánh thức tiềm năng du lịch của vùng, giới chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong toàn vùng; trong đó Thành phố Hồ Chí Minh phải là “hạt nhân,” “nhạc trưởng” điều phối du lịch toàn vùng.

Bài 1: Ẩn mình chờ thời

Vùng Đông Nam Bộ có tổng diện tích tự nhiên là 23.564km, dân số toàn vùng là hơn 17,8 triệu người, mật độ dân số 756,6 người/km, gấp 2,61 lần mật độ dân số cả nước.

Các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ có chiều dài bờ biển gần 180km với thềm lục địa trên 100.000km, phía Tây Bắc giáp với Campuchia, là cửa ngõ giao thông, giao thương quan trọng với các nước trong khu vực và quốc tế.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng Đông Nam bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra. Vùng Đông Nam bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước.

Tại hội nghị sơ kết thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025 diễn ra hồi tháng 11/2022 tại tỉnh Bình Phước, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, giai đoạn 2020-2022, tổng lượng khách du lịch đến vùng Đông Nam Bộ đạt trên 73,5 triệu lượt khách; trong đó có hơn 3 triệu lượt khách quốc tế, với doanh thu hơn 259.000 tỷ đồng.

[Nâng tầm phát triển cho ngành du lịch ở vùng Đông Nam Bộ]

Trong 7 vùng du lịch của Việt Nam, Đông Nam Bộ là vùng phát triển kinh tế năng động, nơi hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch với lợi thế rừng, biển, sông, hồ; hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề để phát triển nhiều loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển.

Hoạt động liên kết không chỉ đem lại sự đa dạng hóa sản phẩm mà còn hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương, đồng thời tổ chức được nhiều sự kiện du lịch tiêu biểu, hội chợ, tuần lễ du lịch, tuần lễ văn hóa du lịch ẩm thực gắn với làng nghề truyền thống Đông Nam Bộ.

Sau khi đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp với tỉnh Đồng Nai tổ chức hai đợt khảo sát các sản phẩm du lịch để tổ chức các tour.

Trong số đó, tuyến du lịch “tàu hỏa-tàu thủy” và sản phẩm du lịch Làng Bưởi Tân triều, Đảo Ó-Đồng Trường đang được triển khai.

Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với tỉnh Bình Dương tổ chức đoàn famtrip (hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị) trải nghiệm tour du lịch đường sông; phối hợp tỉnh Tây Ninh tổ chức chuyến famtrip với chủ đề “khảo sát tiềm năng du lịch Tây Ninh;” phối hợp với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đón đoàn famtrip quốc tế từ thị trường Mỹ và Ấn Độ.

Đánh thức ngành “công nghiệp không khói" ở khu vực Đông Nam Bộ ảnh 2Khu du lịch khoáng nóng Bình Châu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn/TTXVN)

Tỉnh Bình Phước đã xây dựng tour du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, thể thao tại Khu du lịch hồ Suối Giai kết nối với các hoạt động tham quan, công vụ tại thành phố Đồng Xoài; tour du lịch trải nghiệm sinh thái rừng, tua du lịch khám phá và trải nghiệm không gian văn hóa độc đáo của người S’tiêng, M’nông tại vườn Quốc gia Bù Gia Mập; tour du lịch thăm chiến trường xưa, du lịch về nguồn, du lịch dã ngoại và tham quan động vật hoang dã (Công viên safari Tà Thiết), kết nối với khu đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng và thể thao tại Chơn Thành, Khu Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và các sản phẩm du lịch trên tuyến du lịch tìm hiểu lịch sử; tour du lịch quốc tế “một ngày-4 quốc gia” (Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Phước-Campuchia-Lào-Thái Lan).

"Đối với vùng Đông Nam Bộ, cần thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng, kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong vùng; hình thành những điểm đến vệ tinh, gần với trung tâm du lịch Thành phố Hồ Chí Minh; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và cách thức xúc tiến quảng bá, trên các nền tảng số và mạng xã hội," Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết trong những năm qua, ngành du lịch tỉnh Đồng Nai đã khai thác những tiềm năng phát triển du lịch để hình thành các sản phẩm và loại hình du lịch để phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của người dân và du khách, các sản phẩm du lịch ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển.

Theo ông Hùng, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng Đồng Nai đã xây dựng và triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 30/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng; trong đó, xác định thế mạnh du lịch Đồng Nai là du lịch sinh thái rừng, sông, hồ, núi với hơn 170.000ha rừng, với sông Đồng Nai là dòng sông nội địa dài nhất Việt Nam (586 km); hồ Trị An là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất nước (332km2), núi Chứa Chan là ngọn núi cao thứ 2 Nam Bộ (837m sau núi Bà Đen cao 986m), và các tiềm năng khác như Thác Mai- Bàu nước sôi, Thác Giang Điển, Thác Ba Giọt, hồ Đa Tôn, hồ Núi Le…

Nhờ đẩy mạnh phát triển du lịch, năm 2022 ngành du lịch Đồng Nai đã đón khoảng 2 triệu lượt khách, tăng 84 % so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu dịch vụ du lịch đạt 1.117 tỷ đồng, tăng 116% so với năm 2021.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, ông Võ Đức Trong, việc liên kết phát triển du lịch giữa Tây Ninh và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ đã từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nhờ xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng địa phương, điểm nhấn là du lịch tâm linh mà lượng khách đến với Tây Ninh ngày càng tăng. Điển hình năm 2022 du khách đến với Tây Ninh đạt 5 triệu lượt, tăng gần gấp đôi so với năm 2021 và những năm trước đó.

Chia sẻ tại Hội nghị sơ kết liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ diễn ra chiều 29/11/2022 tại tỉnh Bình Phước vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nhìn nhận trên thực tế, tốc độ phát triển du lịch của vùng Đông Nam Bộ vẫn chưa tương xứng với một vùng đất có nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, đa dạng về tài nguyên và dồi dào về nguồn nhân lực.

“Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ đã ký kết hợp tác về phát triển du lịch từ năm 2020. Việc liên kết với các tỉnh trong vùng, nhằm xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch, phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch, đẩy mạnh kết nối du lịch với các địa phương trong vùng; tăng tỷ lệ khách du lịch và các nhà đầu tư đến các địa phương, đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa, góp phần phục hồi ngành du lịch sau đại dịch,” Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết./.

Đón đọc bài cuối: Liên kết phát triển du lịch

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục