Đế chế Inca hưng thịnh nhờ… biến đổi khí hậu

Hiện tượng biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện cho đế chế Inca, nền văn minh cổ đại lớn nhất tại Bán cầu Tây, phát triển.
Một nhóm nhà nghiên cứu khoa học quốc tế mới đây đã khẳng định trong quá khứ, hiện tượng biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện cho đế chế Inca, nền văn minh cổ đại lớn nhất tại Bán cầu Tây, phát triển.

Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, trưởng nhóm nghiên cứu, nhà cổ sinh vật học người Anh Alex Chepstow-Lusty cho biết những vết tích tìm thấy tại lòng hồ cạn Marcacocha, thuộc vùng Cusco từng là thủ đô của đế chế Inca, cho thấy khu vực này chứng kiến thời kỳ khí hậu ấm lên kéo dài khoảng 4 thế kỷ, bắt đầu từ năm 1100.

Nhờ sự biến đổi này, những người Inca mới có được nguồn nước tưới do băng từ đỉnh Andes tan ra, điều kiện thời tiết thuận lợi cho việc phát triển trồng trọt quy mô lớn tại một khu vực có địa hình rất cao, từ đó có đủ lương thực để phát triển quân đội và lực lượng lao động.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các nhà khoa học vẫn cảnh báo về những tác hại của hiện tượng Trái Đất ấm lên đối với khu vực này như làm tan chảy nhanh các khối băng trên đỉnh Andes, nguồn cung cấp nước ngọt chủ yếu cho thủ đô Lima của Peru và các vùng lân cận.

Một số nhà khoa học từng dự đoán với tốc độ tan chảy hiện tại, các khối băng này sẽ biến mất trong vòng 20 năm.

Lãnh thổ của đế chế Inca phần lớn nằm trong vùng núi Andes, toàn bộ Peru ngày nay và một phần của Colombia, Ecuador, Chi Lê và Bolivia. Thời kỳ thịnh vượng nhất của đế chế diễn ra từ năm 1400 - 1532, trước khi bị người Tây Ban Nha chinh phục.

Những điểm mạnh của đế chế cổ đại này là tổ chức xã hội cao, nhân công dồi dào, quân đội đông đảo và hệ thống đường sá trên núi rất phát triển./.
(TTXVN/vietnam+)

Tin cùng chuyên mục