Đi chợ ở Hongkong: “Vui lòng mang theo túi”

Nếu đến khu hành chính đặc biệt Hongkong (Trung Quốc) những ngày này, bạn đừng ngạc nhiên khi mang đồ ra quầy thanh toán ở siêu thị sẽ nhận được câu hỏi từ nhân viên tính tiền: “Bạn có mang túi theo không?”.

Nếu đến khu hành chính đặc biệt Hongkong (Trung Quốc) những ngày này, bạn đừng ngạc nhiên khi mang đồ ra quầy thanh toán ở siêu thị sẽ nhận được câu hỏi từ nhân viên tính tiền: “Bạn có mang túi theo không?”.
 
Rất nhiều cửa hàng, siêu thị tại Hongkong đang thúc đẩy chiến dịch không sử dụng túi nilon nhằm bảo vệ môi trường. Vấn đề rác thải túi nilon không phải mới, nhưng nó ngày càng trở nên “nóng” trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, đặc biệt ở Hongkong.
 
Hongkong là thành phố tiêu thụ túi nilon thuộc loại nhiều nhất thế giới. Người dân khu hành chính này thường xuyên đi bộ, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng nên khi mua sắm đồ, họ thường yêu cầu cửa hàng, siêu thị lồng túi kép để xách cho đỡ rách. Đó được coi là điều đương nhiên.
 
Và hậu quả là theo số liệu từ chính quyền Hongkong, mỗi năm thành phố 7 triệu dân này sử dụng tới 8 tỷ túi nilon. Tức là trung bình một ngày, mỗi người dân dùng tới 3 túi nhựa.
 
Đó là sự lãng phí dầu mỏ khủng khiếp, bởi túi nilon được làm từ nguồn tài nguyên hữu hạn này. Và vì Hongkong không có dầu mỏ nên đây là thiệt hại chung cho thế giới. Với riêng Hongkong, vấn đề túi nilon cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng mà cụ thể là ô nhiễm môi trường do khó phân hủy và nhất là làm đầy các bãi rác.
 
Vốn đất đai chật hẹp, hiện Hongkong chỉ còn 3 bãi rác hoạt động mà theo ước tính, trong 8 năm tới, chúng sẽ đầy kín.
 
Từ đánh vào túi tiền đến đánh vào nhận thức
 
Túi nilon không còn là thứ mong manh mà đang đầy nặng nề với Hongkong bởi những nguy cơ trên. Chính vì vậy, chính quyền khu hành chính đặc biệt này đang quyết tâm giảm bớt loại bao bì gây hại cho môi trường.
 
Biện pháp quyết liệt nhất là đánh thuế. Theo Alfred Lee, một quan chức thuộc cơ quan quản lý rác thải của chính quyền Hongkong, kể từ tháng 7 tới, Hongkong sẽ đánh thuế 50 xu (tương đương 1.150 đồng) đối với mỗi túi nilon ở các siêu thị và cửa hàng bán lẻ lớn. Cách này được cho là sẽ khiến người tiêu dùng cảm thấy không nên tốn kém vào những chiếc túi và chủ động mang theo túi sử dụng được nhiều lần của mình.
 
Vài năm gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới như Ireland hay Australia đã áp đặt các quy định khắt khe với việc tiêu thụ túi nilon. Thậm chí thành phố New Delhi (Ấn Độ) còn cảnh báo những khách hàng và chủ cửa hàng vi phạm quy định về hạn chế dùng túi nilon sẽ đối mặt với án phạt tù.
 
Tháng 6 năm ngoái, Trung Quốc đại lục cũng tìm cách giảm lượng túi nilon khổng lồ 1.000 tỷ chiếc mỗi năm bằng các quy định cấm cửa hàng phát không túi nilon cho khách, cấm sản xuất và kinh doanh túi nilon mỏng 0,0255 mm. Theo tính toán, những biện pháp trên sẽ giúp Trung Quốc tiết kiệm được hàng chục tỷ thùng dầu thô mỗi năm dùng cho sản xuất túi nilon.
 
Tuy nhiên, như nhận xét của nhiều chuyên gia bảo vệ môi trường, việc đánh thuế túi nilon sẽ không thể là một giải pháp toàn diện  mà quan trọng hơn là phải thay đổi được nhận thức. Một chiêu mà các nhà sản xuất túi “xanh” thân thiện với môi trường đang hướng tới là tạo ra cả khuynh hướng thời trang tẩy chay túi nilon bởi ở Hongkong, không gì dễ lan tỏa trong dư luận bằng thời trang.
 
Mùa hè năm ngoái, loại túi xách do nhà tạo mẫu nổi tiếng Anya Hindmarch thiết kế với dòng chữ “Tôi không phải là một chiếc túi nilon” đã gây cơn sốt trên các đường phố Hongkong.
 
Theo Gerard Prendergast, một giáo sư marketing ở Hongkong, thì xây dựng được những thương hiệu túi vừa “xanh”, vừa thời trang có ý nghĩa quyết định trong nỗ lực loại bỏ túi nilon.
 
Giờ đây, một loại túi thân thiện với môi trường khác cũng đang “nổi” ở Hongkong là của doanh nhân Brian Pemberton, sử dụng các túi dứa đựng gạo cũ từ Trung Quốc đại lục tái chế thành các túi bắt mắt, có thể dùng nhiều lần. Hy vọng, loại túi này sẽ góp phần đánh bại những chiếc túi nilon mong manh song đầy nguy hại./.
 
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục