Dịch COVID-19: Nga tiếp tục ghi nhận số ca tử vong kỷ lục

Tình hình dịch bệnh tại một số nước châu Âu, trong đó có Nga, chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong bối cảnh chỉ có vài ngày nữa sẽ diễn ra các trận bán kết EURO 2020.
Dịch COVID-19: Nga tiếp tục ghi nhận số ca tử vong kỷ lục ảnh 1Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Rio Grande do Sul (Brazil), ngày 16/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 1/7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 182.957.420 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.962.205 ca tử vong.

Số bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục là 167.539.533 người, trong khi 11.455.682 bệnh nhân đang điều trị.

Mỹ đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong, lần lượt là 34.543.281 ca và 620.222 ca. Tiếp đó là Ấn Độ khi ghi nhận 30.410.577 ca mắc, trong đó gồm 399.475 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với 18.559.164 ca mắc và 518.246 ca tử vong.

Trong vòng 24 giờ qua, cả thế giới đã ghi nhận thêm 381.813 ca mắc mới COVID-19, trong đó tập trung nhiều nhất tại Brazil với 64.903 ca.

Đáng chú ý, tình hình dịch bệnh tại một số nước châu Âu, trong đó có Nga, chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong bối cảnh chỉ có vài ngày nữa sẽ diễn ra các trận bán kết EURO 2020.

Theo đó, Nga tiếp tục ghi nhận số ca tử vong mới kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp với 669 ca trong vòng 24 giờ qua. Nga cũng ghi nhận thêm 20.616 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 5.493.557 ca, trong đó có 134.545 ca tử vong, đứng thứ 5 thế giới.

Diễn biến dịch cũng không khả quan hơn tại Bồ Đào Nha khi nước này ghi nhận hơn 2.000 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, chủ yếu là các ca mắc biến thể Delta.

Trong khi đó, thành phố Alice Springs, Bắc Australia là khu vực mới nhất tại Australia buộc phải thực hiện lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trước đó, các thành phố của Australia như Sydney, Brisbane, Perth và Darwin cũng phải thực hiện biện pháp tương tự.

[COVID-19: Thế giới ghi nhận hơn 2,6 triệu ca mắc mới trong tuần qua]

Sau nhiều tháng nỗ lực để kiểm soát tốc độ lây lan của dịch COVID-19 và đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, cuộc chiến của Canada với dịch bệnh đã đạt được những bước tiến nhất định.

Những thống kê mới nhất cho thấy dịch bệnh đang lắng xuống, với trung bình 635 ca nhiễm mới mỗi ngày trong thời gian từ ngày 23-29/6/2021, giảm 26% so với tuần trước đó.

Số ca bị biến chứng nặng và nguy kịch cũng đang giảm dần. Trong 7 ngày qua, trung bình 959 người mắc COVID-19 được điều trị tại các bệnh viện ở Canada mỗi ngày, ít hơn 20% so với tuần trước đó.

Tương tự, số người tử vong do COVID-19 tính trung bình trong 7 ngày gần nhất dừng ở mức 14 ca/ngày, giảm 19% so với tuần trước.

Liên quan đến vấn đề vaccine, Ngân hàng thế giới (WB) thông báo sẽ tăng ngân sách hỗ trợ vacicne phòng COVID-19 cho các nước đang phát triển từ 8 tỷ USD lên 20 tỷ USD.

Dịch COVID-19: Nga tiếp tục ghi nhận số ca tử vong kỷ lục ảnh 2Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Berlin (Đức), ngày 27/5/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cùng ngày, công ty CureVac của Đức đã thông báo kết quả thử nghiệm cuối cùng về hiệu quả của vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 do hãng sản xuất, theo đó vaccine CVnCoV của CureVac có hiệu quả 48% ở mọi lứa tuổi, kết quả thấp hơn nhiều so với các vaccine cùng công nghệ mRNA của hãng BioNTech và Moderna.

Kết quả cuối cùng nêu trên không gây bất ngờ, bởi kết quả sơ bộ cũng đã được thông báo hồi đầu tháng, với độ hiệu quả lúc đó là 47%. Tuy nhiên, kết quả ở mức thấp này được đánh giá dựa trên hiệu quả của vaccine với sự xuất hiện của nhiều biến thể virus khác nhau.

Khoảng 40.000 người ở 10 nước thuộc Mỹ Latinh và châu Âu tham gia vào quá trình thử nghiệm. CureVac cho biết vaccine của công ty có hiệu quả tốt hơn với nhóm tuổi từ 18-60 tuổi so với nhóm tuổi cao hơn.

Ở nhóm tuổi từ 18-60, hiệu quả vaccine đạt 53% trong ngăn ngừa triệu chứng nghiêm trọng nào và 77% đối với bệnh vừa và nặng. Người ở nhóm tuổi từ 18-60 được tiêm đủ liều vaccine CureVac có thể tránh được nguy cơ nhập viện hoặc tử vong.

Tuy nhiên, CureVac chưa có đủ dữ liệu đối với nhóm người trên 60 tuổi để có thể đưa ra thông tin cụ thể hơn. Công ty cũng cho biết đã chia sẻ dữ liệu với Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và mong sớm được cấp phép lưu hành ở châu Âu.

Trong khi nhiều quốc gia châu Âu "rục rịch" triển khai áp dụng hộ chiếu vaccine, Nhà Trắng thông báo chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn đang cân nhắc các quy định hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19 đối với du khách quốc tế, song Washington không có ý định yêu cầu du khách phải xuất trình chứng nhận tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 để được phép nhập cảnh vào Mỹ.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết giới chức Mỹ vẫn giữ liên lạc với những người đồng cấp ở Canada, châu Âu và các nước khác để xác định thời điểm và cách thức dỡ bỏ các quy định hạn chế đi lại một cách an toàn.

Tuy vậy, khi được hỏi liệu Washington có yêu cầu du khách phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 mới được phép nhập cảnh vào Mỹ hay không, bà Psaki nêu rõ: “Đó không phải là ý định của chúng tôi.”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục