Dịch COVID-19: Tiêm vaccine cho trẻ em, an toàn đặt lên hàng đầu

Theo Tiến sỹ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em là cần thiết, song cần cẩn trọng theo dõi sức khỏe tại nơi tiêm cũng như ở nhà sau tiêm.
Dịch COVID-19: Tiêm vaccine cho trẻ em, an toàn đặt lên hàng đầu ảnh 1Học sinh ở Đồng Nai được tiêm vaccine phòng COVID-19. (Ảnh minh họa: Công Phong/TTXVN)

Theo Tiến sỹ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trẻ từ 3-11 tuổi vẫn tiếp tục tham gia vào các chuỗi lây truyền dịch COVID-19 và có khả năng diễn biến nặng cũng như gặp những tổn thương dai dẳng kéo dài nếu mắc COVID-19.

Do đó, trẻ nhỏ tuổi cũng cần tiêm vaccine phòng COVID-19 và cần được theo dõi sức khỏe chặt chẽ sau tiêm.

Xin ông cho biết việc tiêm vaccine cho trẻ từ 3-11 tuổi có cần thiết không, vì có ý kiến cho rằng tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 không cao và hầu hết là ở mức độ nhẹ trong khi hệ miễn dịch ở trẻ chưa phát triển toàn diện?

Tiến sỹ Phạm Quang Thái: Trong thời gian dịch bệnh xảy ra vừa qua, chúng ta thấy là nhóm đối tượng từ 3-11 tuổi vẫn có những trường hợp mắc COVID-19 và vẫn có những trường hợp diễn biến nặng. Tuy nhiên tỷ lệ nặng ở nhóm trẻ nhỏ kém hơn rất nhiều so với người lớn.

Thế nhưng nhóm đối tượng trẻ nhỏ này vẫn tiếp tục tham gia vào các chuỗi lây truyền để duy trì dịch COVID-19 ở trong cộng đồng. Nó đẩy chúng ta đến quyết định  phải có một mũi tiêm dành cho nhóm đối tượng này.

[Gần 792.000 trẻ từ 12-17 tuổi tại Hà Nội sẽ được tiêm vaccine COVID-19]

Khi chúng ta đã có đủ lượng vaccine để cho nhóm đối tượng lớn hơn thì việc tiếp tục nhắm đến đối tượng nhỏ tuổi là rất cần thiết, giúp ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

Việc tiêm vaccine cho trẻ từ 3-17 tuổi có lợi ích và hiệu quả như thế nào với sức khỏe của trẻ nói riêng và công tác phòng, chống dịch nói chung?

Tiến sỹ Phạm Quang Thái: Rõ ràng, chúng ta thấy tỷ lệ tăng nặng và tử vong trong nhóm tuổi nhỏ thấp hơn rất nhiều so với nhóm người lớn.

Tuy nhiên chúng ta cũng thấy, mặc dù ở tỷ lệ rất nhỏ nhưng đã có những ghi nhận cho thấy tình trạng chúng tôi hay gọi là “hậu COVID” hay có thể hiểu là biểu hiện bệnh tiềm tàng sau khi đã khỏi COVID ở người lớn hay trẻ nhỏ đều có những trường hợp tổn thương dai dẳng kéo dài, thậm chí cả vấn đề viêm cơ tim, các vấn đề tổn thất liên quan đến hoạt động thể chất thông thường của trẻ.

Những ảnh hưởng đó không phải chỉ là ảnh hưởng ngắn mà có thể ảnh hưởng lâu dài ở tất cả các độ tuổi chứ không riêng gì người lớn. Đấy chính là lý do mà ngay cả tuổi nhỏ cũng cần tiêm vaccine phòng COVID-19.

Nếu triển khai tiêm, ông có khuyến cáo cụ thể như thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ và đạt hiệu quả tiêm chủng trên diện rộng?

Tiến sỹ Phạm Quang Thái: Cũng giống như bất cứ vaccine nào được triển khai trong tiêm chủng mở rộng hay ngoài tiêm chủng mở rộng thì việc sử dụng vaccine cho trẻ hay người lớn đều cần có sự cẩn trọng.

Ở đây, chúng ta cẩn trọng không phải chỉ riêng vấn đề chọn lựa đối tượng, xác định đúng đối tượng rồi theo dõi tại nơi tiêm mà còn cần cẩn trọng cả vấn đề theo dõi sức khỏe tại nhà sau tiêm.

Trong quá trình theo dõi sức khỏe đó dù có bất cứ vấn đề gì gia đình cần thông báo sớm cho bác sỹ để có được sự hỗ trợ tốt nhất từ hệ thống y tế, đảm bảo được sự an toàn tốt nhất cho trẻ.

Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục