Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội, gia tăng xuất khẩu từ các FTA

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu Trần Thanh Hải, nếu ngay từ bây giờ doanh nghiệp hiểu rõ và áp dụng quy tắc xuất xứ, mới có thể tận dụng được cơ hội từ thực hiện các FTA.
Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội, gia tăng xuất khẩu từ các FTA ảnh 1Dây chuyền sản xuất motor điện loại nhỏ. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Bước sang 2018 với những cơ hội và thử thách mới của quá trình hội nhập đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động và linh họat hơn để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), các ưu đãi về thuế khi áp dụng là rất lớn, trong khi doanh nghiệp Việt chủ động hội nhập vẫn còn yếu. Vậy doanh nghiệp Việt cần làm gì để gia tăng xuất khẩu từ các FTA?

Vẫn còn thụ động

Việt Nam đang tham gia 17 FTA với các nước và khu vực; trong đó, có 9 hiệp định đã ký và thực hiện, 3 hiệp định đã ký nhưng chưa thực hiện, 5 hiệp định vẫn đang trong quá trình đàm phán.

Ngay khi các FTA này có hiệu lực, 85% dòng thuế hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước sẽ được cắt giảm ngay lập tức về mức từ 0-5%. Các dòng thuế còn lại sẽ được giảm theo lộ trình.

Theo Bộ Công Thương, nếu thuế suất trung bình giữa các nước là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ 5-25%, thuế suất trung bình trong các cam kết FTA thấp hơn rất nhiều, chỉ từ 0-5%.

Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi thuế quan lý tưởng của các FTA, cách duy nhất là hàng hóa phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho mỗi FTA.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương chia sẻ, thời gian qua tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia chỉ đạt khoảng 35%. Điều này đồng nghĩa với việc 65% số hàng hóa còn lại phải chịu thuế cao hơn so với mức thuế ưu đãi từ các FTA là 0-5%. Đây sẽ là một thách thức rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Không những thế, mỗi FTA đều có những quy định về xuất xứ hàng hóa riêng. Chẳng hạn như một doanh nghiệp ôtô Việt Nam muốn được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các nước ASEAN, sản phẩm phải có 40% linh kiện có xuất xứ tại Việt Nam.

Việc chứng minh xuất xứ hàng hóa có tác dụng khuyến khích các nước trong cùng một FTA nỗ lực nội địa hóa để trao đổi thương mại nhiều hơn.

Hoặc, với Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA), cho áp dụng quy định cộng gộp xuất xứ, cho phép các nhà xuất khẩu của Việt Nam được sử dụng vải từ một nước thứ ba có ký kết FTA với Việt Nam và EU…

Ông Trần Thanh Hải cũng nhấn mạnh thêm, với các FTA cũ, tỷ lệ tận dụng còn thấp, với các FTA mới với những điều khoản phức tạp và chặt hơn nhiều. Vì thế, nếu không có các chương trình tập huấn kịp thời và thường xuyên bản thân doanh nghiệp không chủ động cập nhật thông tin và trang bị kiến thức thì việc cải thiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ không khả thi như kỳ vọng.

Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp sử dụng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan nhiều nhất là FTA Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), FTA ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP)…

Cùng đó, những ngành có tỷ lệ tận dụng cao gồm dệt may, da giày… cũng là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu đến nhiều thị trường với kim ngạch rất cao.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào EU cũng như tỷ trọng hàng dệt may nhập khẩu vào EU cũng còn thấp do đây là thị trường khó tính, số lượng đơn hàng nhỏ. Chính vì thế, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Á-Âu (EVFTA) đã tạo thêm điều kiện giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh vào thị trường này.

Tuy nhiên, việc tận dụng các quy tắc ưu đãi xuất xứ là không dễ dàng đối với ngành dệt may bởi các doanh nghiệp trong ngành phải nhập tới 70% nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Trong đó, có tới 42% nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, còn lại là một số nước như Hàn Quốc, các nước ASEAN.

[Bộ trưởng Công Thương: '2017 là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu']

Nhận định về vấn đề này, giới phân tích cho rằng, nhiều doanh nghiệp đang tỏ ý lo ngại tính phức tạp của các FTA, thậm chí chưa nắm rõ các tiêu chí và điều kiện để được hưởng lợi.

Do vậy, các doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới, sáng tạo, tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng kế hoạch phù hợp nhằm nâng cao năng lực để đối phó với thách thức. Việc xây dựng kế hoạch đáp ứng các yêu cầu xuất xứ để tận dụng các ưu đãi FTA sẽ tăng năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu.


Hỗ trợ doanh nghiệp

Theo bà Bùi Kim Thùy, Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, quy tắc xuất xứ được ví như “quốc tịch” của hàng hóa khi ra nước ngoài.

Vậy nên, một trong những điều kiện để doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi thuế quan là hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho từng FTA.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã liên tiếp ký nhiều văn bản cắt giảm thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp có thể tự khai báo hồ sơ cấp chứng nhận xuất xứ online để tiết kiệm thời gian đi lại và chờ đợi.

Cùng đó, trước nhiều phản ánh từ phía doanh nghiệp trước việc có những quy tắc xuất xứ quá chặt chẽ như Việt Nam là nước nông nghiệp nên có thể nhập nguyên liệu từ các nước khác để sản xuất hàng nông sản xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, quá trình phối trộn gia công chưa được coi là tiêu chí để xét cấp ưu đãi xuất xứ.

Do vậy, Bộ Công Thương cũng đang sửa đổi Nghị định 19/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa để tạo nền tảng pháp lý tốt hơn về vấn đề quy tắc xuất xứ cho doanh nghiệp thực hiện.

Ông Trần Thanh Hải cho biết thêm, cũng như các thủ tục hành chính khác, việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là một thủ tục hành chính, đòi hỏi doanh nghiệp phải bỏ ra thời gian và chi phí làm thủ tục.

Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội, gia tăng xuất khẩu từ các FTA ảnh 2May hàng xuất khẩu. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Hiện nay, Bộ Công Thương đã có nhiều cải cách trong cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Điển hình như việc tham gia Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN. 100% giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của ASEAN đã được Bộ Công Thương đưa lên thành dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và sẽ đưa lên cấp độ 4 trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng ban hành các thông tư hướng dẫn, nhưng hiện nay doanh nghiệp chưa tham gia nhiều. Sở dĩ vậy bởi doanh nghiệp chưa hiểu hết những lợi ích, hoặc có thể có các vướng mắc quy định từ ASEAN và Bộ Công Thương đang tập trung tháo gỡ.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 27/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2015/TT-BCT ngày 20/8/2015 quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Với thông tư này, việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong ASEAN thời gian tới sẽ rất thuận lợi.

Theo ông Trần Thanh Hải, nếu ngay từ bây giờ doanh nghiệp hiểu rõ và áp dụng quy tắc xuất xứ, mới có thể tận dụng được cơ hội từ thực hiện các FTA, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, gia tăng kim ngạch xuất khẩu và phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục