Doanh nghiệp dệt may đang rời khỏi Trung Quốc, hướng đến châu Âu

Các doanh nghiệp dệt may quốc tế đang có xu hướng rời khỏi Trung Quốc do giá nhân công, nguyên vật liệu và năng lượng đi lên đã khiến hoạt động sản xuất tại đây ngày càng đắt đỏ.
Doanh nghiệp dệt may đang rời khỏi Trung Quốc, hướng đến châu Âu ảnh 1Một phân xưởng may ở Trung Quốc. (Nguồn; thetextileicon.com)

Các nhà sản xuất và kinh doanh hàng dệt may quốc tế đang có xu hướng rời khỏi Trung Quốc và hướng tới những nhà cung cấp tại châu Âu, nhất là Italy do giá nhân công, nguyên vật liệu và năng lượng đi lên đã khiến hoạt động sản xuất tại “công xưởng” hàng đầu thế giới này ngày càng đắt đỏ.

Theo các số liệu chính thức từ Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) và Phòng Thương mại về xuất-nhập khẩu hàng dệt may Trung Quốc, ngành công nghiệp dệt may đã tạo việc làm cho 4,6 triệu người, đóng góp 10% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), với giá trị xuất khẩu khoảng 284 tỷ USD trong năm 2015. Vì thế vị thế đứng đầu thế giới trong ngành dệt may của Trung Quốc là không thể tranh cãi.

Tuy nhiên, tiền lương cho công nhân tại Trung Quốc đang tăng trung bình hơn 12% mỗi năm, cao hơn mức tăng trưởng của nền kinh tế và không còn đủ rẻ để có thể là lợi thế cạnh tranh. Thêm vào đó, ngành dệt may Trung Quốc đang phải đối mặt với giá nguyên liệu đầu vào như bông và len đi lên, thiết bị sản suất bị áp mức thuế cao, và những quy định về bảo vệ môi trường mới khiến họ phải chi ra nhiều hơn.

Tiền công theo giờ của công nhân dệt may Trung Quốc trong năm ngoái là 3,52 USD/giờ, thấp hơn nhiều so với mức hơn 27 USD/giờ tại Italy. Tuy nhiên, lương của công nhân Trung Quốc đã tăng 25% tính từ 2014 đến nay, trong khi tại Italy chỉ tăng 9% trong cùng thời kỳ.

Theo Giám đốc điều hành của Tập đoàn dệt may Wah Fung Group, Shiu Lo Mo-ching, một khi giá nhân công tại Trung Quốc không thấp như trước, việc vận chuyển nguyên liệu từ châu Âu đến Trung Quốc và nhập hàng ngược trở về trở nên kém hấp dẫn hơn. Điều này khiến việc chuyển hoạt động sản xuất trở về châu Âu hay các địa bàn khác là xu thế tất yếu.

Bên cạnh đó, sự gần gũi về địa lý cũng là một lợi thế khi các hãng thời trang phương Tây đang phải chịu sức ép đẩy nhanh tốc độ giới thiệu các bộ sưu tập, còn khách hàng ngày càng muốn các nhãn hàng xây dựng phong cách theo ý mình. Vì thế nguồn hàng của họ phải gần hơn và vận chuyển nhanh hơn - một lợi thế cạnh tranh của các nhà cung cấp nguyên liệu Italy.

Ngoài ra, các nhà sản xuất đồ may mặc cũng đang đối mặt với những lo ngại của khách hàng về xuất xứ hàng hóa, và họ cũng muốn tránh những rủi ro tiềm tàng cho nhãn hàng của mình. Một số hãng thời trang may mặc quốc tế đã chuyển sang dùng vải len Italy và in tên xưởng sản xuất lên nhãn hàng, nhằm tạo sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh.

Trong kế hoạch năm năm đối với ngành dệt may công bố hồi tháng 9/2016, Chính phủ Trung Quốc thừa nhận việc giá thành sản xuất tăng đã làm lợi thế cạnh tranh quốc tế của nước này suy giảm; đồng thời, ngành dệt may Trung Quốc phải đối mặt với bất lợi khác từ các nước phát triển, như Italy, với công nghệ cao hơn và các nước đang phát triển do mức lương rẻ hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục