Doanh nhân nữ: Nỗ lực biến "nguy" thành "cơ" trong điều kiện khó khăn

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, các nữ doanh nhân có khả năng thích ứng, chịu áp lực và linh hoạt nên có nhiều cơ hội biến "nguy" thành "cơ" với các chiến lược ứng phó hiệu quả, đổi mới sáng tạo.
Doanh nhân nữ: Nỗ lực biến "nguy" thành "cơ" trong điều kiện khó khăn ảnh 1Nữ doanh nhân Lê Thị Thúy Nhàn, thôn 1 xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, gắn bó với nghề nuôi và kinh doanh lợn giống. (Ảnh: Nam Sương/TTXVN)

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khi cả nước phải gồng mình chống dịch, các doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn; trong đó, đặc biệt khó khăn hơn, chịu tác động nhiều hơn là những doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.

Để có thể chèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua mọi sóng gió và đối phó thành công trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh, các doanh nghiệp do nữ làm chủ đã phải nỗ lực, gồng gánh gấp nhiều lần so với trong điều kiện bình thường.

Sự chủ động thay đổi để thích ứng là tinh thần mà các nữ doanh nhân luôn hướng tới để không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, kinh doanh thành công mà còn cùng cộng đồng tham gia giải quyết những vấn đề thách thức của xã hội.

Khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong các hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế, theo khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cứ 4 doanh nghiệp tư nhân sẽ có 1 doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Nữ giới đóng góp tới 40% của cải cho nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài vai trò trong phát triển kinh tế-xã hội, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ còn thể hiện nhiều ưu điểm như sử dụng nhiều lao động nữ hơn, chi trả bảo hiểm xã hội cao hơn, chi phí tạo ra một việc làm thấp hơn, giải quyết nhiều thách thức xã hội...

Đã có rất nhiều tấm gương tiêu biểu là nữ doanh nhân tham gia và đóng góp tích cực trong các hoạt động cùng cộng đồng giải quyết những thách thức xã hội trong giai đoạn COVID-19.

Phụ nữ lãnh đạo có khả năng thích ứng, chịu áp lực và linh hoạt nên đã có nhiều cơ hội biến "nguy" thành "cơ" với các chiến lược ứng phó hiệu quả, đổi mới sáng tạo.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, ghi nhận ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã làm cho nhiều doanh nghiệp điêu đứng, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.

Các nữ doanh nhân cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức như sự đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động; mất hoặc bị thu hẹp thị trường cả đầu vào và đầu ra trong bối cảnh dịch bệnh; việc duy trì sản xuất kinh doanh dẫn tới làm gia tăng chi phí hay những khó khăn do thiếu vốn, khó kiểm soát dòng tiền...

Để có thể gia tăng khả năng chống chịu và giúp các doanh nghiệp do nữ làm chủ đủ năng lực phục hồi sau đại dịch, bà Tuyết Minh nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, các nữ doanh nhân cần ưu tiên nâng cao kiến thức quản lý tài chính doanh nghiệp, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo để tìm kiếm cơ hội trong khó khăn.

Đó là cách thức, là hướng đi giúp doanh nghiệp kiểm soát rủi ro, tích lũy nội lực để tăng năng lực cạnh tranh; đồng thời, là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh địa chính trị và nền kinh tế toàn cầu đầy rủi ro, bất trắc như hiện nay.

[Các tầng lớp phụ nữ và khát vọng cống hiến, vươn lên mạnh mẽ]

Bên cạnh đó, Chính phủ, các cấp, ngành và địa phương cũng cần có thêm các chính sách và chương trình hỗ trợ hiệu quả nhằm thu hút sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế; đồng thời tạo điều kiện và chuyển giao các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến cho doanh nhân nữ.

Từng là người chủ trì và thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học về bình đẳng giới; trong đó, có báo cáo về "Môi trường kinh doanh tại Việt Nam: Góc nhìn của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ," ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, thúc đẩy tinh thần kinh doanh của phụ nữ là một ưu tiên quan trọng.

Việc thực hiện ưu tiên này không chỉ tập trung vào phụ nữ, mà còn cả các nhà hoạch định chính sách và toàn xã hội trong một tổng thể.

Cần phát triển các hiệp hội doanh nhân nữ, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp kinh doanh của phụ nữ để gia bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp nữ, phản biện các chính sách công, cũng để thúc đẩy hợp tác và tăng cường mối quan hệ của nữ doanh nhân.

Vì vậy, cần khuyến khích phụ nữ tham gia các tổ chức, cụm doanh nghiệp và các hình thức liên kết khác để họ củng cố doanh nghiệp cũng như bản thân với vai trò doanh nhân.

Muốn làm được những điều đó, cần thực hiện các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật để thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện những khía cạnh bất cập nhất như cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công khai minh bạch và tạo môi trường bình đằng; đồng thời, nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách hỗ trợ hiện nay đối với doanh nhân nữ.

Theo ông Tuấn, các địa phương nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ có thể dễ dàng và thuận lợi hơn khi tiếp cận nguồn tín dụng; tăng cường liên kết giữa các doanh nhân nữ, các câu lạc bộ/hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp nữ.

Cùng với đó, cần xem xét loại bỏ những tôn vinh gây định kiến giới và đặt nặng vai trò giới đối với doanh nhân nữ. Quan trọng nhất là cần xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ với các ưu tiên và biện pháp thực hiện cụ thể với sự tham gia của toàn xã hội.

Trúng tâm ý doanh nghiệp, bà Ngô Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đăng Kiểm Bách Việt cho hay, hiện nay, nhiều phong trào đang thực hiện như “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà” hay đề cao các phẩm chất như “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang” dường như đang tạo thêm những định kiến vô hình về giới và gia tăng áp lực, gánh nặng về vai trò giới đối với các doanh nhân nữ.

Khi tham gia vào kinh doanh, doanh nghiệp do nữ làm chủ gặp khó khăn bộn bề khi vừa lo toan gánh vác gia đình, vừa phải làm tròn vai lãnh đạo, là người chủ doanh nghiệp.

Theo bà Hằng, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là khả năng tiếp cận tài chính với cản trở lớn nhất là sự thiếu dữ liệu tin cậy được phân tách theo giới. Điều này sẽ hạn chế các tổ chức tài chính có những chương trình hỗ trợ phù hợp đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Khi các ngân hàng thương mại hiểu rõ hơn về tiềm năng thị trường hiện có cũng như những khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ thì họ có thể xây dựng các chiến lược và các gói dịch vụ đáp ứng tốt hơn nhu cầu về nguồn tài chính của các doanh nhân nữ.

Ngoài ra, cộng đồng cũng cần nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế với sự tôn trọng, cân bằng và chia sẻ công việc giữa gia đình và xã hội.

Truyền thông cần chú trọng về vai trò của phụ nữ, xóa bỏ định kiến giới, kỳ thị giới tính, không cổ súy, tôn vinh giá trị truyền thống bất bình đẳng.

Các cơ quan Trung ương và địa phương cần tích cực tổ chức tham vấn, đối thoại với các doanh nhân nữ, các câu lạc bộ, hiệp hội doanh nghiệp nữ, các chuyên gia về giới về các vấn đề liên quan.

Các tổ chức đại diện doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cũng cần nâng cao năng lực và tích cực hơn trong tham gia xây dựng chính sách pháp luật vì quyền lợi của chính mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục