Đồng bảng Anh lao dốc cùng diễn biến liên quan đến Brexit

Đồng bảng Anh sụt giá mạnh trong phiên giao dịch ngày 15/11 sau khi một số quan chức chủ chốt trong Chính phủ Anh xin từ chức nhằm gây áp lực đối với Thủ tướng Theresa May về kế hoạch rời khỏi EU.
Đồng bảng Anh lao dốc cùng diễn biến liên quan đến Brexit ảnh 1Đồng bảng Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đồng bảng Anh sụt giá mạnh trong phiên giao dịch ngày 15/11 sau khi một số quan chức chủ chốt trong Chính phủ Anh xin từ chức nhằm gây áp lực đối với Thủ tướng Theresa May về kế hoạch rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Ngoài ra, thông tin về việc Thủ tướng May sẽ có buổi họp báo sau khi nữ chính khách này phải mất nhiều giờ để bảo vệ dự thảo thỏa thuận này trước sự “tấn công” của các bên tại Quốc hội, song dường như có rất ít ý kiến ủng hộ, cũng góp phần khiến thị trường thêm quan ngại.

Trong phiên giao dịch ngày 15/11, đồng bảng Anh đã giảm 2% so với đồng USD và giao dịch ở mức 1,2778 USD/1 bảng.

Trong khi đó, giá cổ phiếu các ngân hàng Anh cũng đồng loạt sụt giảm, trong đó cổ phiếu Lloyds và Barclays mất hơn 4%, cổ phiếu RBS lao dốc gần 10%.

[Vấn đề Brexit: Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ cầm quyền từ chức]

Theo giới đầu tư, đồng bảng Anh đã chịu sức ép lớn từ khi mở cửa phiên giao dịch sau động thái từ chức của một loạt bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, và mới đây nhất là của Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ cầm quyền Rehman Chishti. Điều này đẩy tiến trình Brexit lún sâu vào tình trạng bấp bênh và dấy lên nguy cơ xảy ra kịch bản "Brexit" cứng.

Nhà phân tích Chris Beauchamp nhận định nguy cơ thỏa thuận Anh-EU dường như bắt đầu trở thành "một kế hoạch thất bại" đang gây áp lực đối với đồng bảng Anh, đặc biệt sau làn sóng từ chức của các bộ trưởng chủ chốt.

Một số nhà phân tích khác cũng lo ngại hàng loạt bộ trưởng khác cũng đưa ra quyết định tương tự và có thể diễn ra một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với vị trí Thủ tướng của bà May.

Chưa đầy 1 ngày sau khi Thủ tướng May thông báo đội ngũ bộ trưởng hàng đầu của bà đã nhất trí với các điều khoản trong bản dự thảo thỏa thuận Brexit, Bộ trưởng Raab và Bộ trưởng Việc làm và hưu trí Esther McVey đã đệ đơn từ chức do bất đồng quan điểm.

Trong tuyên bố của mình, Bộ trưởng Raab nhấn mạnh: "Với lương tâm của mình, tôi không thể ủng hộ các điều khoản được đề xuất" cho việc Anh rời khỏi EU. Ông Raab là Bộ trưởng phụ trách Brexit thứ hai từ chức trong năm nay.

Trong khi đó, Bộ trưởng Việc làm và hưu trí McVey đã đệ đơn từ chức chỉ một giờ sau đó với lý do thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May không tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2016.

Sự ra đi của hai bộ trưởng trên cùng với các quan chức cấp cao khác đã làm cho bộ máy chính phủ vốn bị chia rẽ của Thủ tướng May rơi vào khủng hoảng. Bất ổn chính trị đang đe dọa thỏa thuận Brexit mà bà May đã mất rất nhiều công sức mới đàm phán được với EU.

Bản dự thảo này bao gồm ý tưởng thiết lập một "lưới an ninh" nhằm tránh khả năng tái lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh với Cộng hòa Ireland; toàn bộ Vương quốc Anh sẽ ở lại trong liên minh thuế quan với EU và một liên kết đặc biệt cũng sẽ được quy định thêm cho Bắc Ireland trong giai đoạn chuyển tiếp dự kiến kéo dài đến khi các cuộc thảo luận về mối quan hệ thương mại trong tương lai giữa hai bên được hoàn tất.

Hiện bản dự thảo thỏa thuận Brexit cần được Quốc hội Anh thông qua. Tuy nhiên, đây được dự báo là một tiến trình đặc biệt khó khăn.

Khoảng 40 nghị sỹ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền tuyên bố sẵn sàng bỏ phiếu chống bản dự thảo thỏa thuận.

Để thông qua được thỏa thuận, Thủ tướng May cần được sự ủng hộ của ít nhất 320 trong số 650 nghị sỹ tại Hạ viện.

Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, người từ chức hồi tháng Bảy do bất đồng với bà May trong vấn đề Brexit, cho rằng với thỏa thuận này, Anh sẽ ở lại trong liên minh thuế quan và trên thực tế cũng sẽ ở lại thị trường chung châu Âu.

Ông cho rằng điều đó sẽ biến nước Anh trở thành một "chư hầu" của EU vì họ không còn được tham gia vào quá trình ra quyết định của khối.

Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 5 tháng nữa là tới thời điểm Anh rời khỏi EU vào tháng 3/2019, song một loạt quyết định từ chức của các quan chức cấp cao đã đặt chiến lược Brexit của Thủ tướng May vào thế bấp bênh.

Không những vậy, nữ Thủ tướng này còn có nguy cơ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do lãnh đạo của nhóm nghị sỹ có quan điểm cứng rắn ủng hộ Brexit, ông Jacob Rees Mogg, đề xuất.

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trên sẽ được tiến hành nếu 48 nghị sỹ đảng Bảo thủ viết thư có nội dung tương tự. Thủ tướng May có nguy cơ phải từ chức nếu 158 trong số 315 nghị sỹ bỏ phiếu chống lại bà.

Nếu bà vượt qua được cuộc bỏ phiếu, bà sẽ duy trì chức Thủ tướng và không bị đưa ra bỏ phiếu bất tín nhiệm trong một năm. Ngược lại, bà sẽ phải từ chức và không thể tham gia tái tranh cử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục