Động đất là mối đe dọa lớn nhất với nhân loại

Động đất là thảm họa thiên nhiên gây thương vong lớn nhất trong thập kỷ qua và sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng nhất với nhân loại.
Theo nghiên cứu công bố ngày 28/1 của Liên hợp quốc, động đất là thảm họa thiên nhiên gây thương vong lớn nhất trong thập kỷ qua và vẫn sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nhân loại.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn số liệu thống kê cho biết số người thiệt mạng trong các trận động đất chiếm tới 60% trong tổng số 780.000 người chết do thiên tai trên toàn thế giới trong giai đoạn 2000-2009.

Thảm họa thiên nhiên gây tổn thất lớn nhất về người trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 là thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, cướp đi sinh mạng của hơn 226.000 người, bão Nargis ở Myanmar năm 2008 làm chết 136.000 người và động đất ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) khiến hơn 87.000 người thiệt mạng. Trận động đất mới đây ở Haiti đã cướp đi sinh mạng của hơn 170.000 người.

Nghiên cứu của Liên hợp quốc cũng xác nhận dự báo trước đó của các nhà khoa học cho rằng số các vụ thiên tai trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 đã tăng hơn gấp đôi so với 10 năm trước.

Trung tâm nghiên cứu dịch tễ sau các thảm họa của Đại học Louvain (Bỉ) cho biết thiệt hại do các thảm họa trên toàn cầu hàng năm đã lên tới gần 1.000 tỷ USD.

Sáu năm sau trận động đất và sóng thần từng làm 230.000 người ở khu vực Đông Nam Á và Nam Á bị thiệt mạng và đẩy hàng triệu người khác rơi vào cảnh mất nhà cửa, các nước trong khu vực cùng với nhiều nơi khác trên thế giới đã và đang có sự chuẩn bị tốt hơn để theo dõi, phát hiện và ứng phó với các thảm họa thiên nhiên.

Các hệ thống cảnh báo về địa chấn và sóng thần đã được lắp đặt ở Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải và vùng biển Caribe và những hệ thống đó sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính cũng như sự điều phối và giám sát của Ủy ban liên chính phủ về đại dương thuộc Tổ chức của Liên hợp quốc về giáo dục, khoa học và văn hóa (UNESCO) và nhiều nước.

Riêng tại Ấn Độ Dương đến nay có 73 trạm theo dõi địa chất và 60 trạm theo dõi mực nước biển ở các vùng duyên hải.

Tại vùng biển Caribe, Mỹ cùng nhiều đối tác quốc tế đã và đang cung cấp trang thiết bị cho các trạm theo dõi địa chấn, thủy triều và các hiện tượng khác thường ở biển sâu, giúp đào tạo về chuyên môn và đề ra các kế hoạch phòng chống thiên tai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục