Dự báo sâu, cảnh báo sớm thiên tai: ‘Vaccine’ an toàn cho mọi người

Theo chuyên gia khí tượng, dự báo sâu, cảnh báo sớm thiên tai sẽ giúp con người chủ động hơn trong các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là hạn chế được các rủi ro từ thời tiết, khí hậu.
Dự báo sâu, cảnh báo sớm thiên tai: ‘Vaccine’ an toàn cho mọi người ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Trong thông điệp Ngày Khí tượng thế giới (23/3) năm 2023, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới Petteri Taalas nhấn mạnh hệ thống cảnh báo sớm cho tất cả mọi người là giải pháp dễ dàng nhất để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam những năm qua, để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, ngành khí tượng thủy văn cũng luôn chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với thời tiết, khí hậu đồng thời góp phần bảo vệ cuộc sống, sinh kế bền vững cho người dân.

Dự báo thời tiết dần tiệm cận các nước tiên tiến

Năm 2023, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề tuyên truyền cho Ngày Khí tượng thế giới là “Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau.”

Chủ đề này có ý nghĩa khẳng định giá trị của thông tin, thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước đối với xã hội; qua đó kêu gọi mỗi cá nhân trên thế giới cần thể hiện vai trò và trách nhiệm trước cuộc sống hiện tại và tương lai nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động suy thoái môi trường.

Giáo sư, tiến sĩ Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Khí tượng châu Á, đại diện thường trực của Việt Nam tại Tổ chức Khí tượng Thế giới, cho hay Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

Thực tế trong những năm gần đây biến đổi khí hậu đã và đang có những ảnh hưởng lớn đến tài nguyên nước của Việt Nam. Mưa lớn và đặc biệt lớn xảy ra thường xuyên trên diện rộng và cục bộ đã gây lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên phạm vi toàn quốc.

Đơn cử như các trận mưa đặc biệt lớn vào đầu tháng 8/2015 tại Quảng Ninh; đợt mưa lớn kỷ lục kéo dài 8 ngày (từ ngày 2-9/8/2019) ở đảo Phú Quốc lên tới 1.158mm (chiếm 40% tổng lượng mưa năm). Gần đây nhất là đợt mưa từ 14-16/10/2022 tại Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng, với lượng mưa ngày trên 700mm ghi nhận tại Đà Nẵng gây ngập úng nghiêm trọng.

[Nhiệt độ đợt nắng nóng từ ngày 22-24/3 có thể lên tới trên 40 độ C]

Tình hình nắng nóng cũng gay gắt hơn. Đơn cử như ngày 20/4/2019, nhiệt độ quan trắc được tại trạm khí tượng Hương Khê (Hà Tĩnh) là 43,4 độ C - đây là giá trị nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay được quan trắc tại Việt Nam...

Chính vì thế, ngày nay, các dự báo không còn dừng ở thông tin “ngày mai thời tiết thế nào” mà dần dịch chuyển sang “dự báo tác động” - nghĩa là thông báo sớm cho công chúng về những gì thời tiết sẽ gây ra. Điều này có vai trò rất quan trọng để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân.

Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, ông Thái cho biết trong thời gian qua, công tác khí tượng thủy văn tại Việt Nam đã không ngừng đổi mới. Nhờ đó, chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn dần tiệm cận trình độ các nước tiên tiến, góp phần giảm thiểu các thiệt hại về người và tài sản.

Điển hình như đợt xâm nhập mặn kỷ lục vào mùa khô 2019-2020 được đánh giá là khốc liệt hơn năm 2016, tuy nhiên nhờ thông tin cảnh báo sớm, dài hạn về hạn mặn (nhất là Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức các hội nghị và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai cụ thể các phương án phòng chống, khắc phục) nên mức độ thiệt hại của đợt xâm nhập mặn 2020 chỉ bằng 1/10 so với năm 2016.

Dự báo sâu, cảnh báo sớm thiên tai: ‘Vaccine’ an toàn cho mọi người ảnh 2Thông điệp Ngày Khí tượng thế giới năm 2023 tại Việt Nam. (Nguồn: TCKTTV)

Hay như cơn bão số 9 xảy ra năm 2021. Đây là cơn bão rất mạnh có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, song nhờ cơ quan khí tượng đưa ra thông tin dự báo từ sớm, độ tin cậy rất cao nên đã giảm thiểu được các nguồn lực của Nhà nước trong việc ứng phó với cơn bão rất mạnh này.

Tăng dự báo thời tiết nguy hiểm

Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái cho biết các nhiệm vụ trong tâm mà ngành đang triển khai là phát triển, hiện đại hóa hệ thống trạm khí tượng thủy văn trên toàn quốc; phát triển và hiện đại hóa công nghệ dự báo khí tượng thủy văn; nghiên cứu ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại trong dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, dông, lốc, sét, lũ quét, sạt lở đất.

Ngành cũng đánh giá tổng thể và phân vùng chi tiết rủi ro thiên tai khí tượng thủy văn; thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng nền tảng số và dữ liệu số trong công tác của Tổng cục khí tượng thủy văn, quản lý vận hành hệ thống dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia.

Một trong những giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ trên là tăng cường hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ nguồn dữ liệu khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo.

Lãnh đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng nhấn mạnh trước sự bùng nổ về công nghệ thông tin, đối với ngành này, ngoài việc tổ chức đào tạo con người, hiện đại hóa thiết bị, ngành cũng cần đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số tạo đột phá trong công tác khí tượng thủy văn.

Theo ông Thái, những người làm trong ngành khí tượng thủy văn chính là những người hiểu rõ nhất sự thay đổi ngày càng khốc liệt của biến đổi khí hậu, thiên tai thời tiết diễn biến không theo quy luật.

"Vì thế, chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá nhằm tăng cường giám sát và nâng cao chất lượng dự báo thiên tai. Sản phẩm cuối cùng của những sự thay đổi này chính là một cơ sở dữ liệu dự báo khí tượng thủy văn dạng số sẵn sàng ứng dụng một cách linh hoạt cho mọi nền tảng và làm đầu vào cho các loại mô hình cảnh báo dự báo khác,” ông Thái nói.

Ngoài ra, ông Thái cũng lưu ý để thông tin dự báo, cảnh báo đi vào cuộc sống, cần có sự chung tay của các cấp, ngành trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác khí tượng thủy văn.

Cùng với đó, thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn phải được xác định là cơ sở quan trọng trong quá trình xây dựng và thực hiện các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành./.

Nâng tầm vị thế ngành khí tượng thủy văn trên trường quốc tế

Sau nhiều năm đẩy mạnh hợp tác quốc tế, vị thế của ngành khí tượng thủy văn trên trường quốc tế đã dần rõ nét, được các quốc gia trên thế giới công nhận.

Trong đó, năm 2011, ngành khí tượng thủy văn Việt Nam đã được Tổ chức Khí tượng thế (WMO) chọn là Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực Đông Nam Á về thời tiết nguy hiểm (Trung tâm RFSC Hà Nội); năm 2017, Việt Nam tiếp tục được đảm nhiệm vai trò là Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực Đông Nam Á về cảnh báo lũ quét thuộc Chương trình Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á.

Tại tháng 8/2022, ngành khí tượng thủy văn Việt Nam và WMO đã chính thức ký kết Bản ghi nhớ hợp tác triển khai hoạt động Trung tâm SEAFFGS Hà Nội.

Không chỉ đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển ngành khí tượng thủy văn của khu vực Đông Nam Á, ngành khí tượng thủy văn còn không ngừng đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương và đa phương với nhiều quốc gia và tổ chức khác để nâng tầm vị thế của ngành trên trường quốc tế.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục