Dư luận Argentina: IMF là nguyên nhân gây ra khủng hoảng kinh tế

IMF thông qua khoản vay tín dụng lên tới 50 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế Argentina vượt giai đoạn khó khăn do những biến động mạnh trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian vừa qua.
Dư luận Argentina: IMF là nguyên nhân gây ra khủng hoảng kinh tế ảnh 1Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde. (Nguồn: THX/TTXVN)

Sự có mặt của lãnh đạo IMF tại Argentina để tham dự hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã làm dấy lên một làn sóng phản đối trong dư luận Argentina.

Các tổ chức chính trị và công đoàn quốc gia Nam Mỹ này tổ chức một cuộc biểu tình lớn bên ngoài trung tâm hội nghị nơi diễn ra các cuộc họp của G20 để phản đối việc chính phủ “bắt tay” với IMF, cho rằng tổ chức tài chính này là nguyên nhân gây ra những cuộc khủng hoảng cho kinh tế Argentina trong quá khứ và giờ đây với những điều kiện để cho nước này vay tín dụng thì “vết xe đổ” đó đang được lặp lại.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 21/7 đã bày tỏ sự tôn trọng và ủng hộ những tiến bộ vượt bậc trong các chính sách kinh tế của Chính phủ Argentina sau khi được tổ chức tài chính này thông qua khoản vay tín dụng lên tới 50 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế Argentina vượt giai đoạn khó khăn do những biến động mạnh trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian vừa qua.

Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, phát biểu trong cuộc họp báo với Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Argentina Nicolas Dujovne, bà Lagarde nhận định rằng nền kinh tế Argentina sẽ được cải thiện từng bước từ đầu năm 2019.

Bà cho rằng mặc dù chương trình hỗ trợ tài chính cho Argentina mới chỉ được thông qua cách đây 1 tháng, song IMF vẫn đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ quốc gia Nam Mỹ này trong các vấn đề về chính sách tiền tệ, các biện pháp xử lý tình hình thể hiện sự minh bạch hơn và giúp cho thị trường ổn định hơn.

Bà Lagarde cũng bày tỏ tin tưởng tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao của Argentina sẽ đi theo xu hướng giảm từ nay cho tới năm 2020, và chính phủ nước này sẽ hoàn thành mục tiêu tài chính đã đặt ra.

Hồi tháng Năm vừa qua, trong bối cảnh thị trường hối đoái liên tục lao dốc, Chính phủ Argentina đã phải áp dụng một loạt các biện pháp mạnh như tăng lãi suất lên mức kỷ lục 40%, bán ra thị trường hơn 10 tỷ USD từ quỹ ngoại hối, giảm mạnh chi tiêu công, song vẫn không thể ổn định thị trường và buộc phải đàm phán với IMF để vay một khoản tín dụng trị giá 50 tỷ USD nhằm tiếp tục chính sách cải cách nền kinh tế và thực hiện mục tiêu giảm thâm hụt tài chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục