Đưa quần thể di tích quốc gia nhà Trần thành khu du lịch tâm linh

Tỉnh Quảng Ninh có chủ trương giao cho Tập đoàn MyWay triển khai dự án đầu tư phát triển khu du lịch văn hóa tâm linh tại quần thể khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần tại thị xã Đông Triều.
Đưa quần thể di tích quốc gia nhà Trần thành khu du lịch tâm linh ảnh 1Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Khu Di tích danh thắng non thiêng Yên Tử. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Tỉnh Quảng Ninh có chủ trương giao cho Tập đoàn MyWay (Việt Nam) triển khai dự án đầu tư phát triển khu du lịch văn hóa tâm linh tại quần thể khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần tại thị xã Đông Triều.

Trong các buổi làm việc hồi tháng 4, tháng 5 vừa qua giữa Tập đoàn MyWay và UBND thị xã Đông Triều, hai bên đã thống nhất một số nội dung để triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.

Tập đoàn Myway sẽ đầu tư phát triển tiềm năng du lịch tâm linh trên địa bàn thị xã, trong đó đặc biệt là phát huy tiềm năng, giá trị của khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều bằng 10 phân khu và cụm công trình, dự án.

Các công trình kiến trúc tập trung làm nổi bật dấu ấn đặc sắc, giá trị lịch sử, tâm linh của triều đại nhà Trần trên đất Đông Triều để lại cho đời sau.

Tới đây, Tập đoàn MyWay và thị xã Đông Triều sẽ triển khai các gói dự án xây dựng, trong đó có các hạng mục như mở rộng tuyến đường tâm linh hiện có từ cổng Khu di tích tới ga cáp treo đồng thời tạo cảnh quan hai bên; xây dựng mô hình nông nghiệp sạch khu vực gần cổng đền An Sinh; xây dựng Trung tâm hội nghị, học viện Phật giáo, quảng trường, khu khám chữa bệnh, làng thiền, chợ; nhà hàng, mê cung, công viên, thư viện Trần Nhân Tông, vila thiền.

Cùng với đó sẽ là các nhà ga và tuyến cáp treo kết nối với di tích chùa Hồ Thiên, hệ thống nhà hàng, khách sạn 4 sao, thị trấn du lịch, nhà vườn sinh thái.

Ủy ban Nhân dân thị xã Đông Triều yêu cầu việc triển khai dự án phải dựa trên quy hoạch tổng thể, bảo vệ cảnh quan, môi trường, phải lưu giữ và bảo tồn được các giá trị cổ, tự nhiên, các công trình được đầu tư phải thân thiện với môi trường đồng thời làm nổi bật giá trị vật thể và phi vật thể của khu di tích gắn với xu hướng thời đại là thiền, du lịch và dịch vụ.

[Năm Du lịch Quốc gia 2018 - Nâng tầm du lịch Quảng Ninh]

Đông Triều đang tập trung phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã.

Việc đầu tư phát triển dự án du lịch ở quần thể khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần, cũng như ở các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh khác trên địa bàn sẽ góp phần đưa Đông Triều trở thành nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, góp phần tuyên truyền, cổ vũ động viên, giáo dục lòng yêu nước, tự hào về truyền thống đấu tranh của dân tộc.

Đồng thời đưa Đông Triều trở thành một trung tâm du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm có hệ thống cơ sở vật chất từng bước đồng bộ; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, mang đậm bản sắc của vùng đất địa linh nhân kiệt theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều (Di tích lịch sử-văn hóa đền, lăng mộ các vua Trần) thuộc địa phận các xã An Sinh, Tràng An, Bình Khê, Thủy An của huyện Đông Triều.

Theo tư liệu lịch sử và phả tộc họ Trần, vùng Đông Triều chính là đất tụ cư đầu tiên của họ Trần ở nước ta. Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều hiện nay được định hình rõ nét về mặt quy mô từ sau năm 1299, khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành, lập nên Thiền phái Trúc Lâm.

Đến cuối thế kỷ XIV, nhiều lăng mộ của vua Trần được xây dựng hoặc di chuyển về Đông Triều. Cùng với việc xây dựng lăng mộ, triều đình còn xây dựng đền, miếu để thờ cúng các bậc tiên đế, cùng nhiều công trình kiến trúc tôn giáo để phục vụ cho việc tu hành, giảng đạo.

Vì thế, nơi đây đã trở thành một vùng “thánh địa” linh thiêng, nơi tập trung nhiều kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn của triều đại nhà Trần.

Đông Triều được xem là một trong những trung tâm lịch sử, văn hoá đặc biệt tiêu biểu, là “Trung tâm Phật giáo” của nước Đại Việt dưới thời Trần.

Khu di tích hiện nay gồm hệ thống lăng mộ, đền-miếu, công trình tín ngưỡng, tôn giáo gắn liền với lịch sử nhà Trần và Thiền phái Trúc Lâm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục