EU tăng cường chống lãng phí thực phẩm để bảo vệ môi trường

Dự án quyên góp đồ ăn thừa để làm từ thiện nhằm tránh lãng phí đã được Ủy ban Kinh tế Xã hội (EESC) và Ủy ban các khu vực châu Âu (CoR) triển khai từ năm 2015.
EU tăng cường chống lãng phí thực phẩm để bảo vệ môi trường ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: goodyfeed.com)

Cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm là một phần của chính sách bảo vệ môi trường được các cơ quan thuộc Liên minh châu Âu (EU) cam kết thực hiện và theo đuổi trong nhiều năm.

Ủy ban Kinh tế Xã hội (EESC) và Ủy ban các khu vực châu Âu (CoR) cam kết hạn chế lãng phí thực phẩm cả trong các nhà ăn (cantine) và trong các bữa tiệc tự chọn được tổ chức nhân dịp các hội nghị diễn ra trong tòa nhà.

Kể từ năm 2015, một dự án quyên góp lương thực thực phẩm đã được EESC và CoR triển khai cùng với một nhà thầu và một hiệp hội phụ trách những người thiếu thốn ở Brussels.

Một thỏa thuận đã được ký kết giữa bốn bên liên quan.Theo đó, người thụ hưởng là một hiệp hội phụ trách những người vô gia cư, người tị nạn, các gia đình nghèo có trẻ em.

Việc tặng thực phẩm được thực hiện theo các quy tắc vệ sinh an toàn thực phẩm có hiệu lực.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels, bà Myrto Kolyva, phụ trách Hệ thống kiểm toán và quản lý sinh thái (EMAS) của tòa nhà trụ sở EESC và CoR cho biết kể từ đầu năm 2018, tất cả đồ ăn thừa từ buffet nóng và lạnh đã được tập hợp để làm từ thiện nhằm tránh lãng phí.

Trong khi lúc đầu, dự án mới chỉ tập trung vào bánh mì và một số đồ khô. Việc giao hàng, được tổ chức tự động với sự hợp tác của một công ty ở Brussels chuyên vận chuyển hàng hóa sinh thái.

Điều này đã đơn giản hóa đáng kể công tác hậu cần và giảm tác động đến môi trường.

[Infographics] Trung bình một người lãng phí 121kg thực phẩm mỗi năm

Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát vào năm 2020, các hoạt động với dịch vụ ăn uống đã bị ngừng, các nhà ăn tập thể đều đóng cửa. Trong thời gian này, không có thức ăn thừa.

Vì những lý do tương tự, việc tặng thực phẩm đã bị đình chỉ, ngoại trừ một khoản tặng cho Hội Chữ thập đỏ Bỉ khi việc phong tỏa được thực hiện, nhằm giảm tổn thất thực phẩm đã tích trữ từ trước trong các tủ đông.

Hoạt động trao tặng thức ăn sẽ tiếp tục từ mùa Thu năm nay.

Nhờ những hoạt động này mà tại cantine của tòa nhà luôn luôn được đảm bảo vệ sinh tuyệt đối, không có thức ăn thừa bỏ đi, tránh lãng phí.

Năm 2019, lượng rác thải trung bình trong cantine ước tính là 0,9%, so với 2,2% hồi đầu năm 2018. Điều này khẳng định chất thải được quản lý tốt.

Trên thực tế, trung bình có 42 món ăn bị vứt bỏ mỗi tháng. Đây là một kết quả cho thấy tình trạng lãng phí thực phẩm trong suất ăn tập thể ở mức trung bình thấp.

Nhằm hạn chế tối đa rác thải ra môi trường, từ năm 2019, cantine của EESC trở thành "không nhựa." Tất cả các chai nhựa, hộp đựng và bao bì đã được thay thế bằng các loại tương đương được làm bằng vật liệu bền hơn.

Hành động này đáp ứng chỉ thị của EU về nhựa sử dụng một lần đã được thông qua vào tháng 6/2019 với mục đích ngăn ngừa và giảm tác động của một số sản phẩm nhựa đến môi trường, đặc biệt là thủy sản và sức khỏe con người, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn dựa trên các mô hình kinh doanh, sản phẩm và vật liệu sáng tạo và bền vững.

Với tiêu chí hàng đầu bảo vệ môi trường, các cantine của EU đóng góp đáng kể vào kế hoạch hành động "không ô nhiễm" và đáp ứng các mối quan tâm của người dân châu Âu vì một môi trường bền vững hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục