Theo tờ Daily Mail của Anh, 4 tình nguyện viên đã bị liệt cơ một bên mặt (tên khoa học là chứng "Bell's palsy") sau khi tiêm vắcxin phòng bệnh COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển.
Thông tin này được Pfizer và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công bố ngay trước thềm cuộc họp ngày 10/12 của một ủy ban độc lập thuộc FDA về việc cấp phép sử dụng vắcxin phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech trong trường hợp khẩn cấp.
[Pfizer/BioNtech khẳng định không rút ngắn quy trình sản xuất vắcxin]
Chứng liệt cơ một bên mặt có thể khiến một bên mặt của người bệnh xệ xuống một cách nghiêm trọng trong nhiều tuần.
Hiện tượng này được cho là xảy ra khi dây thần kinh điều khiển các cơ trên khuôn mặt của bệnh nhân bị chèn ép quá mức.
Mỗi năm trên thế giới có khoảng 5.000 người mắc chứng bệnh này, trong đó đa số là các phụ nữ mang thai, những người mắc bệnh tiểu đường và những người bị viêm đường hô hấp trên. Có tới 70% số bệnh nhân tự khỏi bệnh mà không cần điều trị can thiệp.
Các bác sỹ chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến tình trạng liệt cơ một bên mặt ở các tình nguyện viên tiêm phòng COVID-19.
Trong khi đó, giới chức FDA đã bác bỏ khả năng đây là tác dụng phụ sau khi tiêm vắcxin của Pfizer/BioNTech, do không có dấu hiệu cụ thể nào cho thấy mối liên quan giữa việc tiêm phòng COVID-19 và hiện tượng trên.
Tuy nhiên, cơ quan này vẫn khuyến cáo các bác sỹ cần theo dõi sát các tác dụng phụ đối với tình nguyện viên.
Trong 4 tình nguyện viên nêu trên, một người có triệu chứng liệt cơ một bên mặt chỉ 3 ngày sau khi tiêm. Những người còn lại xuất hiện triệu chứng lần lượt 9 ngày, 37 ngày và 48 ngày sau khi tiêm.
Bốn tình nguyện viên liệt cơ một bên mặt đã trở lại trạng thái bình thường sau vài ngày. Một số người mắc chứng liệt cơ một bên mặt cho biết họ trở nên nhạy cảm với âm thanh, mất vị giác, đau đầu hoặc đau hàm.
Trước đó, các nhà khoa học từng ghi nhận các trường hợp liệt cơ một bên mặt là tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm một loại vắcxin phòng cúm giai đoạn 2001-2002 tại Thụy Sĩ. Loại vắcxin này sau đó đã bị thu hồi và cấm sử dụng./.