Theo Reuters, trong một báo cáo công bố ngày 13/4, công ty an ninh mạng FireEye có trụ sở ở California, Mỹ cho biết các tin tặc, nhiều khả năng nhất là từ Trung Quốc, đã liên tục do thám các chính phủ và doanh nghiệp ở Đông Nam Á cũng như Ấn Độ trong suốt 1 thập kỷ qua mà không bị phát hiện.
FireEye khẳng định các hoạt động do thám mạng trên bắt đầu ít nhất từ năm 2005 và "chủ yếu nhắm vào các mục tiêu của chính quyền và doanh nghiệp, những cơ quan nắm giữ các thông tin chủ chốt về chính trị, kinh tế và quân sự ở khu vực."
Báo cáo nhận định: "Từ nỗ lực không ngừng, được lên kế hoạch từ trước cộng với các mục tiêu và nhiệm vụ trong khu vực của nhóm tin tặc này, chúng tôi tin rằng hoạt động đó được nhà nước bảo trợ, khả năng lớn nhất là Chính phủ Trung Quốc."
Người phụ trách công nghệ cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương của FireEye, Bryce Boland, đồng tác giả bản báo cáo trên, nói rằng hoạt động do thám vẫn đang diễn ra. Các máy chủ mà tin tặc sử dụng vẫn đang hoạt động và FireEye vẫn tiếp tục chứng kiến những vụ tấn công nhằm vào khách hàng của mình.
Ông Boland cho rằng không thể đánh giá mức độ thiệt hại trong một thời gian dài như vậy, song khẳng định tác động của hoạt động do thám này có thể "là rất lớn."
Hiện cả Bộ Ngoại giao và Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc đều chưa đưa ra phản ứng gì về báo cáo của FireEye.
Trung Quốc cũng từng bị cáo buộc do thám các quốc gia ở Nam Á và Đông Nam Á. Năm 2011, các nhà nghiên cứu của McAfee đã tiết lộ về một chiến dịch, mang tên Shady Rat, do thám các chính phủ và tổ chức ở châu Á cùng nhiều cơ quan khác. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn luôn bác bỏ các cáo buộc dính líu tới hoạt động do thám các chính phủ, tổ chức và công ty nước ngoài./.