Gần 500.000 người Indonesia mắc bệnh hô hấp do ô nhiễm khói mù

Ô nhiễm không khí từ nạn cháy rừng, cháy đất tại Indonesia trong 2 tháng qua khiến hàng triệu người dân nước này bị ảnh hưởng sức khỏe, gần 500.000 người đã phải điều trị các bệnh về hô hấp.
Gần 500.000 người Indonesia mắc bệnh hô hấp do ô nhiễm khói mù ảnh 1Khói mù do cháy rừng bao phủ Palembang, tỉnh Nam Sumatra, Indonesia ngày 8/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Bộ Y tế Indonesia, số người bị ốm do ô nhiễm không khí từ nạn cháy rừng, cháy đất đã tăng mạnh lên con số gần 500.000 người, trong khi đó, hỏa hoạn vẫn đang tiếp tục tàn phá đất rừng và than bùn ở Sumatra và Kalimantan.

Trong 2 tháng qua, đã có hàng triệu người bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn lời Bộ trưởng Y tế Nila Moeloek ngày 19/10 cho biết, người dân ở các tỉnh của Sumatra và Kalimantan đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, phần lớn họ bị nhiễm trùng hô hấp cấp tính (ISPA).

Bộ đã có báo cáo về việc bệnh đường hô hấp do ô nhiễm không khí đã cướp đi mạng sống của một trẻ sơ sinh trong khi 19 trẻ khác đang phải điều trị đặc biệt tại các bệnh viện chuyên sâu ở Sumatra.

Ngoài ra, còn có 4 trường hợp khác ở quần đảo Riau cũng đã tử vong trước đó do nhiễm bệnh đường hô hấp.

Để đối phó với tình trạng khẩn cấp, Bộ đã ưu tiên việc giới thiệu các biện pháp phòng ngừa để hạn chế số lượng bệnh nhân và những người tiếp tục nhiễm bệnh, như việc phân phối các mặt nạ bảo vệ để tránh hít phải bụi than trong không khí.

Hơn 30 tấn đồ cứu trợ thảm họa, bao gồm mặt nạ, khẩu phần ăn, thuốc men và oxy đã được chuyển đến người dân của 8 tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi khói mù.

Bộ trưởng Nila cũng kêu gọi cư dân địa phương trong khu vực có mức độ ô nhiễm không khí nên ở trong nhà, hoặc đeo khẩu trang hay thiết bị bảo vệ khác nếu buộc phải ra ngoài trời.

Bà Nila cũng khuyến cáo rằng trẻ sơ sinh và trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm.

Trong 2 tháng qua, nhiều khu vực ở Indonesia, trong đó có Riau, Jambi, Bắc Sumatra, Nam Sumatra và Trung Kalimantan, đã phải vật lộn để đối phó với tác động của khói do những đám cháy rừng, cháy đất mà con người gây ra. Thảm họa đã trầm trọng thêm bởi mùa khô kéo dài năm này và bị kích hoạt bởi hiện tượng El Nino./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục