Giá dầu giảm mạnh tạo cơ hội cải cách kinh tế vùng Vịnh

Tại Diễn đàn Kinh tế ở Davos, nhiều bộ trưởng cho rằng giá dầu mỏ thế giới giảm mạnh là một cơ hội để các quốc gia vùng Vịnh cắt giảm trợ cấp năng lượng và thực hiện các biện pháp cải cách.
Giá dầu giảm mạnh tạo cơ hội cải cách kinh tế vùng Vịnh ảnh 1Toàn cảnh nhà máy lọc dầu tại Saudi Arabia. (Nguồn: Getty Images/TTXVN)

Giá dầu mỏ thế giới giảm mạnh là một cơ hội để các quốc gia vùng Vịnh cắt giảm trợ cấp năng lượng và thực hiện các biện pháp cải cách kinh tế cần thiết.

Đây là nhận định chung của nhiều bộ trưởng thuộc khu vực giàu năng lượng này đưa ra trong ngày 22/1 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ.

Phát biểu tại hội thảo về những cải cách kinh tế tương lai của thế giới Arab trong khuôn khổ diễn đàn, Bộ trưởng Tài chính Kuwait Anas al-Saleh cho rằng với giá dầu thấp như hiện nay chính là thời điểm thích hợp để cắt trợ cấp đối với các sản phẩm dầu.

Theo ông, giá dầu ở mức thấp kỷ lục sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc bãi bỏ trợ cấp đối với các sản phẩm chất đốt cho người tiêu dùng.

Cùng quan điểm trên, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Suhail al-Mazrouei cho rằng các nước vùng Vịnh "có cơ hội để người dân làm điều đúng đắn, đó là trả đúng chi phí năng lượng mà họ sử dụng."

Ông al-Mazrouei cũng nhấn mạnh các nước trong khu vực cần phải xem xét thực hiện các cải cách quan trọng để có ngân sách độc lập với nguồn thu từ dầu.

Ông cho biết sau khi thả nổi giá nhiên liệu hồi tháng 6/2015, UAE đang xem xét bãi bỏ trợ cấp đối với các sản phẩm năng lượng và các dịch vụ khác, bao gồm cả điện.

Người đứng đầu Uỷ ban phát triển Kinh tế Bahrain, ông Khalid al-Rumaihi nhận định tình trạng thu nhập từ dầu giảm mạnh là "trong cái rủi có cái may," vì sẽ tạo cơ hội để các nước vùng Vịnh thực hiện các cải cách, theo đó có thể cải cách tài chính và mở rộng nền tảng kinh tế.

Từ đầu năm 2015, Kuwait đã bắt đầu bán dầu diesel và dầu hỏa theo giá thị trường, và ngày 21/1 vừa qua quốc vương nước này đã công bố các kế hoạch tăng giá xăng, điện và nước.

Trong khi đó, Saudi Arabia - nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới - cũng đã áp dụng các biện pháp chưa từng có là cắt giảm trợ cấp đối với các sản phẩm năng lượng, khi ngân sách nước này thâm hụt ở mức kỷ lục 98 tỷ USD trong năm 2015.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hối thúc chính phủ các nước vùng Vịnh cắt giảm ngân sách trợ cấp trong bối cảnh thu nhập từ dầu giảm mạnh.

Giá dầu đã giảm khoảng 75% trong vòng 18 tháng qua do nguồn cung dư thừa, nhu cầu tiêu thụ thấp và kinh tế thế giới tăng trưởng chậm./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục