Trong phiên giao dịch ngày 10/5, giá dầu châu Á tiếp tục đi lên và chạm mức cao trong nhiều năm qua, khi giới đầu tư lường tới việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran trong bối cảnh thị trường “vàng đen” hiện đã thắt chặt.
Cụ thể, tại thị trường Singapore vào lúc 14 giờ theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 0,9% lên 77,89 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014.
Trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ có thời điểm cũng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2014 là 71,84 USD/thùng, trước khi giảm nhẹ xuống còn 71,78 USD/thùng, tăng 0,9% so với mức đóng cửa phiên trước.
Trong khi tại Thượng Hải của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran, giá dầu trong các hợp đồng giao kỳ hạn đã ghi nhận mức tăng trong ngày cao nhất kể từ tháng Ba vừa qua, với mức tăng hơn 4,5% lên trên 75 USD/thùng.
Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran, Mỹ dự định sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với quốc gia này, nơi sản xuất khoảng 4% nguồn cung dầu toàn cầu. Giới phân tích dường như không hy vọng rằng sự phản đối của các nước khác đối với động thái trên của Mỹ có thể ngăn chặn các lệnh trừng phạt mới với Tehran.
[Năm yếu tố chi phối biến động của giá dầu thô thế giới]
Các lệnh trừng phạt mới đối với Iran được Mỹ loan báo trong bối cảnh thị trường dầu đã và đang thắt chặt do nhu cầu khá mạnh, đặc biệt ở châu Á, và thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga.
Trong khi đó, lượng dầu dự trữ của Mỹ cũng giảm 2,2 triệu thùng trong tuần trước, xuống còn 433,76 triệu thùng, theo số liệu thống kê của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).
Một yếu tố đáng chú ý là sản lượng dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã xác lập mức cao kỷ lục mới là 10,7 triệu thùng/ngày, tăng 27% kể từ giữa năm 2016.
Sản lượng dầu của nước này đang tiến gần đến mức khoảng 11 triệu thùng/ngày của nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới là Nga./.