Tuần qua, giá dầu thế giới rút lui từ đỉnh trên 70 USD/thùng trong bối cảnh lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dịu bớt.
Giá dầu giảm trong hai phiên đầu tuần (8-9/3) dưới áp lực của đồng USD mạnh và nguồn tin cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 12,8 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 5/3, vượt xa kỳ vọng tăng 816.000 thùng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.
Tuy nhiên, thị trường “vàng đen” ghi nhận diễn biến tích cực trong hai phiên tiếp theo (10-11/3) nhờ dự báo lạc quan về đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và sự sụt giảm mạnh trong lượng xăng dự trữ của Mỹ.
Bên cạnh đó, giá dầu còn được hưởng lợi sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/3 ký ban hành gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD. Triển vọng kinh tế tăng trưởng sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu trong thời gian tới.
Sang phiên giao dịch cuối tuần 12/3, thị trường điều chỉnh sau hai phiên tăng liên tiếp trước đó. Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 0,4 xu Mỹ, hay 0,6%, xuống 69,22 USD/thùng, sau khi đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 28/5/2019 trong phiên 11/3.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 0,4 xu Mỹ, hay 0,6%, và đóng phiên ở mức 65,6 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent và WTI giảm lần lượt 0,2% và 0,7%. Như vậy kết quả tuần này đã chấm dứt chuỗi tăng giá 7 tuần liên tục của giá dầu Brent.
Theo nhận định của Manish Raj, Giám đốc tài chính tại Velandera Energy, bất chấp quyết định vào đầu tháng này của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay được gọi là OPEC+, về việc gia hạn cắt giảm sản lượng đến tháng Tư, giá dầu đã không tăng thêm trong tuần này do dự trữ dầu toàn cầu lớn có thể bù đắp cho nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn.
[Tăng gần 800 đồng, giá xăng RON 95-III vượt 18.800 đồng mỗi lít]
Chuyên gia này chỉ ra rằng, nhà giao dịch nhận thức được rằng mức giá cao hiện tại chủ yếu là do các thành viên OPEC+ điều tiết sản lượng và các biện pháp đó chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, mức giá hiện tại rất dễ chịu và thậm chí là “hào phóng” đối với hầu hết các nhà sản xuất và do đó không ai muốn “phá hỏng bữa tiệc.”
Tin tức hồi đầu tuần về các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia cũng không thể tiếp sức lâu dài cho đà tăng giá dầu.
Ông Raj giải thích, với khả năng dự phòng đáng kể của tất cả các nhà sản xuất lớn vào thời điểm hiện tại, lo ngại về nguồn cung do các vấn đề như căng thẳng Trung Đông hoặc rủi ro địa chính trị là không phù hợp, vì bất kỳ nước nào ngừng sản xuất thì sẽ có nước khác bù đắp.
Vì vậy, cho đến khi thị trường trở lại trạng thái cân bằng cung cầu, giá dầu sẽ được xác định dựa trên kỷ luật thực thi chính sách của OPEC và sự phục hồi nhu cầu.
Trong báo cáo thị trường mới nhất, OPEC đã nhận định rằng làn sóng các biện pháp kích thích tài chính đang được áp dụng và việc tiếp tục triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở nhiều nước khiến triển vọng về tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu dầu mỏ năm nay trở nên sáng sủa hơn.
Tổ chức này dự báo nhu cầu dầu trên toàn cầu sẽ tăng khoảng 200.000 thùng/ngày và kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 5,1%, tức là tăng khoảng 0,3% nhờ hai yếu tố chính là gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD của Mỹ và sự tiếp tục phục hồi của các nền kinh tế ở châu Á.
Tuy nhiên, OPEC cũng dự báo tình hình thị trường dầu mỏ biến động khó lường trong những tháng sắp tới, ước tính nhu cầu dầu trong 6 tháng đầu năm 2021 sẽ giảm do những biện pháp hạn chế hoạt động kinh tế vì đại dịch COVID-19 vẫn đang được áp dụng nhưng nhu cầu dầu trong 6 tháng cuối năm 2021 sẽ tăng bởi sự tăng tốc của các hoạt động kinh tế do nhiều khả năng tới lúc đó đại dịch đã được kiềm chế tương đối ổn định.
Jim Ritterbusch, Chủ tịch của Ritterbusch và Associates, dự kiến thị trường năng lượng sẽ tiếp tục trì trệ trong tuần tới, với giá dầu WTI dao động trong khoảng 63-68 USD/thùng trước khi có bất kỳ mức tăng đột biến nào./.