Giá điện ít chịu ảnh hưởng khi nhà máy điện hạt nhân hoạt động

Dự kiến tới năm 2030, tỷ lệ điện hạt nhân mới chỉ chiếm khoảng 7% tổng công suất điện quốc gia nên khó xác định giá điện có giảm hay không khi nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động.
Giá điện ít chịu ảnh hưởng khi nhà máy điện hạt nhân hoạt động ảnh 1Nhà thầu JAPC (Nhật Bản) đã cơ bản hoàn thành khoan thăm dò, khảo sát thực địa Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Ngoài những lo ngại về an toàn, trình độ nguồn nhân lực, nguồn vốn…, việc phát triển điện hạt nhân tại một số khu vực các nước phát triển như Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi giá khí tự nhiên thấp và tác động của việc tăng công suất các nguồn năng lượng mới.

Bên cạnh đó, dự kiến tới năm 2030, tỷ lệ điện hạt nhân mới chỉ chiếm khoảng 7% tổng công suất điện quốc gia nên giá điện không chịu ảnh hưởng nhiều.

Thận trọng

Tại một Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia khẳng định việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đang đúng lộ trình và thận trọng.

Ông Lê Doãn Phác, nguyên Phó Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), tính đến năm 2014, thế giới có 436 lò phản ứng đang hoạt động tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng công suất là 373.504 MW. Trong đó, Mỹ dẫn đầu số lò phản ứng với 100 lò, Pháp (58), Nhật (48)…

Cũng trong năm 2014, có hai lò phản ứng mới được đưa vào vận hành tại Achentina và Trung Quốc. Hiện có 71 lò phản ứng đang được xây dựng tại 16 quốc gia; số lò phản ứng đang được lập kế hoạch xây dựng là 99, trong đó Việt Nam có 2 lò phản ứng.

Trên thực tế, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam gặp không ít thách thức. Ông Phác cho hay, chúng ta chưa có kinh nghiệm trong quản lý, triển khai dự án điện hạt nhân. Cơ sở hạ tầng cần thiết cho phát triển điện hạt nhân của Việt Nam còn đang ở mức độ thấp.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật quốc gia chưa hoàn chỉnh, thiếu nhân lực (cả về số lượng và chất lượng) trong mọi lĩnh vực liên quan đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Ngoài ra, Việt Nam cũng thiếu vốn đầu tư, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được triển khai trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn.

Trên thế giới, xu hướng phát triển điện hạt nhân trong ngắn hạn gặp nhiều khó khăn. Giá khí tự nhiên thấp, tác động của việc tăng công suất các nguồn năng lượng mới, khủng hoảng tài chính, tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi… đang ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng điện hạt nhân tại một số khu vực các nước phát triển.

Tuy nhiên, về lâu dài, việc tăng trưởng dân số và nhu cầu điện năng ở các nước đang phát triển cũng như những lo ngại về biến đổi khí hậu, an ninh cung cấp năng lượng và biến động giá các loại nhiên liệu khác, tiếp tục khẳng định tổng công suất phát điện hạt nhân vẫn đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng.

Đồng tình với những khó khăn ông Phác đưa ra, ông Phan Minh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cho hay, nguồn nhân lực đang bị thiếu về số lượng và trình độ ở tất cả các khâu quản lý nhà nước, quản lý an toàn, các khâu quản lý dự án…

Để giải quyết các khó khăn, ông Tuấn nói Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thông qua các đề án, dự án để nâng cao nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, điện hạt nhân cho các bộ ngành, các đầu mối liên quan.

Hiện, công tác này đang được tập trung cao độ có thể đào tạo các kỹ sư từ các sinh viên tài năng, cập nhật các thông tin điện hạt nhân cho các kỹ sư, cán bộ đang công tác tại Việt Nam...

Giá điện ít chịu ảnh hưởng khi nhà máy điện hạt nhân hoạt động ảnh 2Nhà máy điện hạt nhân. (Nguồn: huffingtonpost.com)

Điện hạt nhân khó tác động giá điện

Cũng theo ông Tuấn, hiện nay hệ thống điện Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nhiệt điện và thủy điện. Theo dự kiến trước đây, đến năm 2020, Việt Nam khởi động tổ máy phát điện hạt nhân đầu tiên. Tuy nhiên, thời hạn này có thể phải lùi lại.

Dù chưa xác định cụ thể thời gian sẽ xây dựng và đưa điện hạt nhân hòa mạng lưới điện quốc gia, song kỳ vọng về việc giảm giá điện vẫn được đặt ra…

Về vấn đề này, ông Đoàn Thế Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Nhiệt điện và điện hạt nhân - Bộ Công thương, cho biết việc sản xuất điện phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Trong khi đó, phải gần chục năm nữa, điện hạt nhân của Việt Nam mới có thể hoạt động.

Đây là một quãng thời gian phát triển rất dài và giá cả thị trường về nguyên liệu cũng như các chỉ số CPI, GDP,... còn nhiều thay đổi. Cho nên trước mắt chưa thể đưa ra một dự đoán nào về giá điện trong tương lai. Hiện, so với nhiều nước trên thế giới cũng như trong khu vực, giá bán điện của Việt Nam vẫn ở mức thấp, dưới giá thành sản xuất.

Theo ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ), dự kiến tới năm 2030, tỷ lệ điện hạt nhân mới chỉ chiếm khoảng 7% tổng công suất điện quốc gia. Do đó, giá điện không chịu ảnh hưởng nhiều khi Việt Nam đưa điện hạt nhân vào hoạt động.

Ông Tấn cũng cho răng, việc phát triển điện hạt nhân phải bảo đảm an ninh năng lượng và một quốc gia không thể phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn năng lượng. Nhà quản lý luôn phải tính đến phương án rủi ro khi một loại năng lượng nào đó ngừng hoạt động, phải có một loại năng lượng khác thay thế…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục