Giả thuyết mới gây bất ngờ về loài khủng long bạo chúa

Nghiên cứu mới phát hiện ra rằng khủng long bạo chúa Tyrannosaurus (T-Rex) không hề giống như chúng ta vẫn hình dung và mô tả lại trong các bộ phim.
Giả thuyết mới gây bất ngờ về loài khủng long bạo chúa ảnh 1Khủng long T-Rex không hề lộ răng ra ngoài, theo kết quả nghiên cứu mới. (Nguồn: DW)

“Công viên kỷ Jura”, bộ phim đình đám một thời với đề tài xoay quanh khủng long, có thể sẽ cần một bản làm lại sau những phát hiện mới liên quan tới loài này.

Nghiên cứu mới, với kết quả được công bố trên tạp chí khoa học Science vào cuối tuần trước, phát hiện ra rằng khủng long bạo chúa Tyrannosaurus (T-Rex) không hề giống như một con cá sấu đứng thắng, với kích thước khổng lồ và những chiếc răng sắc lẻm chìa ra khỏi mồm như chúng ta vẫn tưởng.

Thay vào đó, chúng có một đôi môi lớn che đi phần răng, giống như loài thằn lằn hiện nay.

Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra rằng những chiếc răng của loài T-Rex hay của những con khủng long ăn thịt đi trên hai chân khác dường như được bao phủ bên ngoài bởi những đôi môi có vảy dày.

Đôi môi khiến răng của khủng long không hề lộ ra ngoài, nếu chúng ngậm miệng. Ta cũng chỉ có thể nhìn thấy phần đầu nhọn của những chiếc răng, khi khủng long há miệng.

Theo Thomas Cullen, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Auburn, bang Alabama của Mỹ, những mô tả về việc khủng long có nhiều răng lớn nhô ra khỏi hàm của chúng là thiếu chính xác.

Nghiên cứu thấy rằng mối quan hệ giữa kích thước của răng với kích thước hộp sọ, cùng các vết mòn của răng đã cho thấy sự tồn tại của một cấu trúc tương tự như môi trong nhóm khủng long ăn thịt đi trên hai chân.

 “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng những con khủng long ăn thịt đi trên hai chân không hề có phần răng lồi ra ngoài khi đang ngậm miệng,” Cullen nói. “Môi của những con khủng long này khác biệt so với các loài động vật có vú ở chỗ chúng sẽ che toàn bộ hàm răng, nhưng không thể di chuyển độc lâp, ví dụ như cong lại khi tạo ra tiếng gầm gừ. Chúng cũng không thể làm bất cứ thứ gì tương tự như con người hay những loài động vật có vú khác có thể làm với đôi môi. Thay vào đó, môi của loài khủng long sẽ có sự tương đồng với đa số loài thằn lằn và lưỡng cư.”

Những sự so sánh giữa các loài khủng long khác và các loài bò sát còn sống tới nay đã cho thấy bằng chứng về việc những chiếc răng khủng long không hề nhô ra khỏi miêng của nó như ta đã biết.

Cullen nói rằng một số loài kỳ đà lớn có tỷ lệ răng so với hộp sọ còn to hơn cả loài  T-Rex. Tuy nhiên những chiếc răng này vẫn vừa khít và nằm trong đôi môi của kỳ đà chứ không chìa ra ngoài.

Phân tích chiếc răng của loài Daspletosaurus - một họ hàng của loài T-Rex - các nhà nghiên cứu thấy rằng nó vẫn ở trong tình trạng tốt và không có dấu hiệu đã chịu những tác động không đồng đều.

Theo đánh giá của nhà cổ sinh vật học Thomas Holtz của trường Đại học Maryland, bằng chứng nêu trên, và các manh mối khác từ hoạt động giải phẫu khủng long bạo chúa, khiến cho nghiên cứu mới đã trở thành một cơ sở tốt để ủng hộ nhận định rằng khủng long ăn thịt đi trên hai chân là loài có môi, chứ không hề giống những gì chúng ta đã thấy trên phim ảnh và các tài liệu khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục