Giá vàng, giá dầu trượt dốc giữa lúc thị trường chứng khoán chao đảo

Các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới vừa trải qua đợt lao dốc và rung lắc mạnh, khiến giá vàng trượt dốc, giá dầu giảm vì chịu nhiều sức ép bất lợi.

Vàng miếng được giới thiệu tại Sàn giao dịch vàng ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Vàng miếng được giới thiệu tại Sàn giao dịch vàng ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới vừa trải qua đợt lao dốc và rung lắc mạnh vào phiên 5/8 trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại đột ngột hơn nhiều so với dự kiến

Tình hình hình này đã tác động đến giá vàng và giá dầu, khiến cả hai mặt hàng này đều tiếp tục giảm.

Giá vàng trượt dốc

Giá vàng đã thu hẹp phần nào đà giảm vào cuối phiên 5/8 do lo ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái đã gây ra đợt bán tháo toàn cầu. Các nhà đầu tư vẫn hy vọng rằng đợt điều chỉnh này trên thị trường chỉ là tạm thời.

Sau khi có thời điểm giảm hơn 2% trong phiên đầu tuần, giá vàng đã phục hồi phần nào và hạn chế mức giảm còn 1,4% (34,91 USD) xuống còn 2.406 USD/ounce.

Tuy nhiên, các kim loại quý khác bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Giá bạc cùng phiên đã giảm hơn 4,5% và đóng cửa ở mức 27,22 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 4,3% xuống 873,45 USD/ounce.

Sự sụp đổ của thị trường bùng phát vào thứ Sáu tuần trước (2/8) với báo cáo việc làm tại Mỹ bất ngờ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 4,3% trong tháng Bảy.

Đà giảm tiếp diễn vào thứ Hai (5/8) đã khiến chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm và chứng kiến chỉ số tổng hợp S&P 500 ghi nhận ngày tồi tệ nhất kể từ năm 2022 với mức giảm 3%.

Trong khi đó, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục tin rằng đợt điều chỉnh lớn vào phiên này sẽ chỉ là tạm thời đối với vàng, đặc biệt là do sức hấp dẫn của vàng như một nơi trú ẩn an toàn trong các giai đoạn kinh tế và địa chính trị bất ổn

Kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm có động thái cắt giảm lãi suất cũng hỗ trợ cho kim loại quý. Thị trường hiện kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ cắt giảm ít nhất 50 điểm cơ bản lãi suất tại cuộc họp vào tháng Chín tới.

Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất hạ sẽ khiến đồng USD yếu đi, song lại gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng.

Ông Han Tan, nhà phân tích thị trường trưởng của công ty quản lý tài sản Exinity Group, cho hay căng thẳng địa chính trị gia tăng và hy vọng gần đây về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất sâu hơn sẽ tạo ra các điều kiện hỗ trợ cho giá vàng. Sau đó, vàng sẽ có thể đạt mức cao kỷ lục mới khi mọi nỗi lo lắng xuống.

Tại Việt Nam, khép phiên 5/8, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 78,30-79,80 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Giá dầu giảm khi chịu sức ép từ loạt yếu tố bất lợi

Giá dầu giảm trong phiên giao dịch đầy biến động 5/8 do đợt bán tháo kéo dài trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

ttxvn_gia dau.jpg
Cơ sở lọc dầu tại thị trấn Ras Lanuf, miền Bắc Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhưng đà giảm này đã bị hạn chế phần nào bởi lo ngại về việc Iran trả đũa vụ ám sát thủ lĩnh lực lượng Hamas ở Tehran có thể dẫn đến nguy cơ một cuộc chiến lan rộng ở Trung Đông.

Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 51 xu Mỹ (tương đương 0,66%) xuống 76,30 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 58 xu Mỹ(0,79%) xuống mức 72,94 USD/thùng.

Thị trường chứng khoán từ châu Á đến Bắc Mỹ đều lao dốc khi các nhà đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro. Họ đồng thời nhận định rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ Mỹ (Fed) cần cắt giảm lãi suất nhanh chóng để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Dù vậy, những lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung từ một cuộc chiến lan rộng ở Trung Đông đã hạn chế mức \giảm của giá dầu trong phiên này.

Ông John Kilduff, đối tác sáng lập của công ty dịch vụ tài chính Again Capital LLC, cho biết các nhà giao dịch dầu mỏ đang kỳ vọng những phản ứng của Iran sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Điều này khiến giá dầu thô tương lai dễ bị tổn thương hơn trước nỗi lo về suy thoái kinh tế của Mỹ, giống như các thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ dầu diesel giảm mạnh ở Trung Quốc - quốc gia đóng góp nhiều nhất thế giới vào tăng trưởng nhu cầu dầu - cũng đang gây áp lực lên giá “vàng đen”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục