Giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn lo ngại tính minh bạch của vòng phỏng vấn

Theo cô Nguyễn Thị Minh Phương, việc Sóc Sơn đề nghị thay đổi hình thức tuyển dụng từ thi tuyển sang xét tuyển chỉ là theo nguyện vọng của một số cá nhân chứ không phải tập thể 256 giáo viên hợp đồng.

Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội vừa có văn bản báo cáo số 404/BC-UBND ngày 25/7/2019 đề xuất với Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn về việc thay đổi hình thức tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019 từ thi tuyển sang xét tuyển.

Trước đó, trên cơ sở báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện, ngày 11/7, Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn đã có Thông báo số 1007-TB/HU thông báo kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019.

Theo đề xuất của Ủy ban Nhân dân huyện, các giáo viên hợp đồng trên địa bàn huyện Sóc Sơn vẫn phải tham gia thi tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức giáo dục năm 2019.

Nội dung bản báo cáo nêu rõ: “Sau khi thông báo được triển khai, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã nhận được đơn của tập thể 256 giáo viên và tâm thư của nhiều giáo viên hợp đồng đề nghị xem xét lại hình thức tuyển dụng. Lá đơn này cũng được gửi đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn.

Theo nội dung trong đơn, hầu hết các giáo viên hợp đồng không đủ khả năng đáp ứng với hình thức thi tuyển với nội dung thi trắc nghiệm trên máy tính môn Ngoại ngữ và Kiến thức chung. Một số giáo viên lường trước khả năng nên đã có ý kiến không tham gia thi tuyển mặc dù đã đăng ký trước đó.

Căn cứ các kiến nghị của giáo viên và tham khảo ý kiến của Sở Nội vụ Hà Nội cùng các huyện trên địa bàn Hà Nội có giáo viên hợp đồng, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đề xuất Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn cho ý kiến về việc chuyển hình thức thi tuyển sang xét tuyển trong tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019."

Theo ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, mục tiêu của việc thay đổi hình thức tuyển dụng này là để tất cả các thí sinh đăng ký có thể tham gia kỳ tuyển dụng, vẫn đảm bảo quy định hiện hành, đồng thời tuyển đủ số viên chức theo chỉ tiêu đăng ký, giải quyết nhu cầu bức thiết và nguyện vọng của giáo viên hợp đồng trong huyện.

Để việc tuyển dụng theo hình thức xét tuyển được đảm bảo chất lượng, công khai, minh bạch, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn dự kiến sẽ triển khai một số biện pháp tăng cường giám sát, đảm bảo chất lượng, phòng ngừa tiêu cực trong tuyển dụng bằng xét tuyển.

Cụ thể, tổ chức các đợt thi vòng hai tách riêng khối mầm non, tiểu học và trung học cơ sở để đảm bảo chặt chẽ hơn trong khâu giám sát; ký cam kết với tất cả thành viên Hội đồng tuyển dụng, thành viên tham gia làm thi về việc không tác động để làm sai lệch kết quả thi, phát hiện, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực; ký cam kết trách nhiệm của đơn vị (dự kiến Đại học Thủ đô) về lực lượng giám khảo làm thi, không để xảy ra tiêu cực từ lực lượng giám khảo, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tố cáo, sai phạm, tiêu cực trong quá trình làm thi.

Bên cạnh đó, huyện sẽ tăng cường đội ngũ giám sát các phòng thi, quy định trách nhiệm báo cáo về diễn biến bất thường, phản ánh kịp thời tiêu cực xảy ra trong phòng thi để kịp thời xử lý.

Các phòng thi sẽ được lắp đặt hệ thống camera trực tiếp ghi hình, âm thanh của tất cả các cuộc phỏng vấn để làm căn cứ giám sát, giải quyết tố cáo về tiêu cực.

[Hàng trăm giáo viên Sóc Sơn hoang mang vì phải thi tuyển viên chức]

Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên TTXVN, cô Nguyễn Thị Minh Phương, giáo viên Trường Trung học cơ sở Đông Xuân (xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn), có thâm niên dạy Ngữ văn 23 năm, cho rằng việc Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn có văn bản báo cáo Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn đề nghị thay đổi hình thức tuyển dụng từ thi tuyển sang xét tuyển chỉ là theo nguyện vọng của một số cá nhân chứ không phải tập thể 256 giáo viên hợp đồng trong huyện. Một số giáo viên cũng bày tỏ lo ngại về tính minh bạch của vòng thi phỏng vấn.

"Chúng tôi hoàn toàn đủ điều kiện được xét tuyển đặc biệt chứ không cần phải tham gia bất kỳ hình thức thi tuyển nào, dù là vòng 2 phỏng vấn. Với những giáo viên có thâm niên hơn 20 năm công tác và hợp đồng dạng trong biên chế như chúng tôi, việc bỏ thi vòng 1 và buộc chúng tôi phải thi vòng 2 như đề xuất của Ủy ban Nhân dân huyện là không công bằng," cô Nguyễn Thị Minh Phương cho biết.

Trước đó, trong lá đơn tập thể do thầy Đầu Xuân Đàm, giáo viên Trường Trung học cơ sở Trung Giã (huyện Sóc Sơn) đứng tên, đại diện các giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, các giáo viên hợp đồng cũng kiến nghị các cấp chính quyền áp dụng hình thức xét tuyển đúng theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tại Kỳ họp Hội đồng nhân dân mới đây và Thông báo số 800 ngày 10/7/2019 kết luận của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tại Hội nghị giao ban công tác quý II.

Thông báo số 800 nêu rõ "sẽ giải quyết dứt điểm công tác xét tuyển đối với tất cả số giáo viên hợp đồng còn tồn đọng trong 20 năm qua trên địa bàn thành phố theo tinh thần xem xét, đánh giá toàn diện hiệu quả quá trình công tác, trình độ năng lực chuyên môn, kết quả công việc, sức khỏe phù hợp với vị trí việc làm tại đơn vị và quá trình đóng bảo hiểm xã hội"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục