Giới khoa học Mỹ có bước đột phá trong công nghệ in nội tạng 3D

nhóm nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Stevens, New Jersey (Mỹ) đã công bố phát hiện mới về sử dụng kỹ thuật kênh dẫn vi lưu (microfluidic), cho phép in bất kỳ loại nội tạng nào
Giới khoa học Mỹ có bước đột phá trong công nghệ in nội tạng 3D ảnh 1Kỹ thuật viên kiểm tra hoạt động in nội tạng 3D trên máy in dùng công nghệ mới. (Nguồn: Newsweek)

Các nhà nghiên cứu Mỹ mới đây đã hé lộ một phương thức in 3D bất kỳ loại nội tạng nào, thắp lên tia hy vọng cho hàng triệu bệnh nhân đang chờ hiến tạng.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Stevens, New Jersey (Mỹ) đã công bố phát hiện mới về sử dụng kỹ thuật kênh dẫn vi lưu (microfluidic), qua đó cho phép in bất kỳ loại nội tạng nào.

Theo Phó Giáo sư Robert Chang, người đứng đầu công trình nghiên cứu, việc in 3D các loại nội tạng hiện nay còn nhiều hạn chế do hydrogel, chất vốn được coi như “mực in sinh học”, đòi hỏi sự kiểm soát cao độ với hình dạng và kích thước xơ vi mảnh được in. Đây là điều mà các máy in hiện nay chưa làm được.

Tuy nhiên, sử dụng kỹ thuật kênh dẫn vi lưu, một kỹ thuật liên quan đến kiểm soát dòng chất lỏng bên trong các kênh có thể tích nhỏ, vấn đề này có thể được giải quyết.

Việc kiểm soát được hình dạng và kích thước xơ vi mảnh sẽ giúp sản xuất nội tạng nhân tạo dễ dàng hơn.

Để có thể tính toán chính xác các thông số khác nhau gây ảnh hưởng đến hình dạng và đặc tính vật liệu của cấu trúc sinh học được in, Chang và các đồng sự đã tạo ra một mô hình tính toán của đầu in dùng kỹ thuật kinh dẫn vi lưu, cho phép tinh chỉnh cài đặt và dự báo kết quả mà không cần kiểm nghiệm thực tế.

Nhóm các nhà khoa học nêu trên cũng đang nghiên cứu việc sử dụng phương pháp in 3D dùng kỹ thuật kênh dẫn vi lưu để in da và các loại mô khác tại vị trí vết thương của bệnh nhân.

"Công nghệ này vẫn còn quá mới mẻ,” ông Chang chia sẻ.”Chúng tôi không biết chính xác nó sẽ dẫn tới điều gì trong tương lai. Song, có một điều chắc chắn đó là nó sẽ mở ra một chân trời mới cho ngành sinh học”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục