H7N9 và các hệ lụy

Dịch cúm H7N9 và các hệ lụy kinh tế với Trung Quốc

Virus cúm H7N9 đang hoành hành ở Trung Quốc đã và mang lại những thiệt hại nghiêm trọng tới nền nông nghiệp và du lịch của nước này.
Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc cho biết, nước này vừa có thêm hai trường hợp nhiễm virus cúm H7N9 và đến nay đã có 39 thành phố thuộc 10 tỉnh, thành phố ở Trung Quốc phải hứng chịu dịch bệnh này. Thông tin từ trang web của Bộ Tài chính Trung Quốc cho hay, nước này dự kiến dành 302,98 triệu Nhân dân tệ để hỗ trợ công tác giám sát dịch cúm gia cầm.

Giá ngô, đậu tương bị H7N9 "tấn công"

Nhu cầu của Trung Quốc đối với đậu tương (được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm) thời gian gần đây sụt giảm mạnh và tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều tháng tới, khi người tiêu dùng không còn hứng thú với các món ăn được chế biến từ gia cầm. Dịch cúm gia cầm bùng phát và những hình ảnh về xác lợn chết nổi lềnh bềnh trên sông Hoàng Phố khiến người dân hoảng sợ.

Trung Quốc - mua khoảng 60% lượng đậu tương được giao dịch trên thị trường thế giới - có thể tiếp tục giảm nhập khẩu đậu tương trong năm nay. Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2013, khối lượng đậu tương nhập vào Trung Quốc giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm 2012 xuống 11,49 triệu tấn, do mối lo về an toàn thực phẩm và lượng đậu dự trữ trong nước ở mức cao.

Jean Yves Chow, chuyên gia phân tích tại Rabobank, nhận định: cúm gia cầm có thể tác động lớn đến thị trường đậu tương, trong bối cảnh hoạt động chăn nuôi gia cầm tiêu thụ gần một nửa sản lượng thức ăn gia súc. Sự sụt giảm này có thể kéo dài trong 1 hoặc 2 quý, phụ thuộc vào khả năng kiềm chế dịch bệnh của Chính phủ Trung Quốc.

Trong khi đó, 2012 là năm thứ tám liên tiếp lượng đậu tương nhập vào Trung Quốc tăng, đạt 58,39 triệu tấn, cao hơn gần 5 lần so với mức 10,43 triệu tấn năm 2000, do kinh tế đi lên, và nhu cầu đối với các thực phẩm giàu protein (như thịt lợn, gia cầm và hải sản) tăng.

Trung Quốc hiện chiếm gần một nửa mức tiêu thụ thịt lợn của thế giới và gần 15% sản lượng gia cầm toàn cầu. Trung tâm Thông tin Dầu mỏ và Ngũ cốc Quốc gia Trung Quốc lạc quan dự báo, lượng đậu tương nhập khẩu của Trung Quốc năm 2012/13 có thể vẫn tương đương mức của năm 2012, vì mức tiêu thụ thịt lợn tăng mạnh.

Xu hướng giảm nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc (nước mua gần 1/4 sản lượng đậu tương toàn cầu) là nhân tố tác động tiêu cực tới giá đậu tương tại Sở giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) thời gian gần đây. Mối lo về dịch cúm gia cầm cũng có thể làm giảm lượng ngô nhập khẩu vào Trung Quốc. Trước khi có dịch cúm, nhiều chuyên gia phân tích dự báo lượng ngô nhập khẩu của Trung Quốc trong niên vụ 2013/14 (bắt đầu vào ngày 1/10/2013) có thể vọt lên mức kỷ lục 6-7 triệu tấn do nguồn cung trong nước giảm.

Thực khách quay lưng với thịt gia cầm

Trung Quốc đã tiêu hủy hàng chục nghìn con gia cầm và đang nỗ lực kiềm chế sự lây lan của virus H7N9. Shao Fei, 35 tuổi, một nhân viên văn phòng tại Thượng Hải cho biết gia đình anh đã không ăn gà nữa và đang chuyển sang ăn thịt bò và cá.

Tại Thượng Hải, điểm "nóng" nhất trên bản đồ cúm ở Trung Quốc, khoảng 111.000 gia cầm đã bị tiêu hủy trong tuần trước và chính quyền đã đóng cửa 5 điểm mua bán gia cầm sống tại 196 chợ. Nhiều nhà hàng ở Thượng Hải cũng bắt đầu "cảm nhận" được dịch cúm. Chuỗi nhà hàng nổi tiếng The Grandma's đã đưa ra khỏi thực đơn món gà chè xanh quen thuộc.

Các chuyên gia phân tích cho biết, doanh số bán gà đã giảm 80% tại khu vực miền Đông Trung Quốc, trong khi mức giảm tại các khu vực khác ở nước này là khoảng 30%. Lượng gia cầm nuôi sụt giảm có nghĩa là nhu cầu với ngô và đậu tương cũng giảm theo.

Wang Xiaoyue, Chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn nông nghiệp Beijing Orient Agri-business Consultant Co. nhận định: Sức tiêu thụ gia cầm vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Nếu dịch cúm kéo dài thêm một thời gian nữa, sức tiêu thụ có thể giảm 20-30% trong năm nay.

Theo Hiệp hội Gia cầm Quốc gia Trung Quốc, giá bán loại gà giống một ngày tuổi đã giảm hơn 85%. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin, giá gà giống đã rơi từ mức 4,75 Nhân dân tệ/con hồi năm 2012 xuống 0,5 Nhân dân tệ/con.

KFC cũng "phát ốm" vì H7N9

Yum Brands Inc (YUM.N), công ty mẹ của KFC, hiện điều hành hơn 5.100 tiệm ăn trên toàn Trung Quốc, cảnh báo: tâm lý lo ngại về dịch cúm gia cầm sẽ tiếp tục khiến doanh thu của công ty giảm. Doanh số bán tại các nhà hàng KFC ở Trung Quốc giảm 20% trong quý 1/2013.

Tuy nhiên, Yum vẫn lạc quan dự báo doanh số bán của hãng tại chuỗi nhà hàng KFC ở Trung Quốc sẽ phục hồi vào cuối năm nay. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng mối lo về nguy cơ bùng phát dịch cúm sẽ không tồn tại lâu.

Giám đốc điều hành công ty, ông David Novak cho biết, nhìn lại “lịch sử” của những cuộc khủng hoảng y tế trước (trong đó có cả dịch cúm năm 2005), có khả năng doanh số bán sẽ phục hồi trong vòng 6-9 tháng tới. Yum vừa quyết định tung ra chiến dịch "Operation Thunder" để khôi phục lòng tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu KFC.

Trong khi đó, lượng tiêu thụ thịt lợn - loại thịt chủ lực trong bữa ăn của người Trung Quốc - vẫn khá ổn định. Mức tiêu thụ thịt động vật năm 2010 của Trung Quốc đạt 76,2 kilo/đầu người - mức cao nhất tại châu Á, trong khi tại Mỹ, con số này là 129,5 kilo/người.

Yum vẫn nuôi tham vọng mở rộng hoạt động tại Trung Quốc, và có hoạch tăng thêm 700 nhà hàng mới trong năm nay. Yum cũng điều hàng cả dây chuyền Pizza Hut và Taco. Yum hiện nắm trong tay hơn 39.000 tiệm ăn tại hơn 130 quốc gia.

Phản ứng của một số nước châu Á

Một số chính phủ ở châu Á đã triển khai các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với hành khách đi máy bay đến từ Trung Quốc. Đài Loan tuyên bố sẽ tiến thành xét nghiệm cúm với những hành khách có triệu chứng đáng ngờ. Từ đầu tháng Năm này, Nhật Bản cũng đặt thiết bị kiểm tra nhiệt độ hành khách từ Trung Quốc.

Giá cổ phiếu của các hãng hàng không Đài Loan giảm mạnh trong phiên 25/4, khi thông tin về ca nhiễm cúm gia cầm đầu tiên ở vùng lãnh thổ này làm dấy lên mối lo dịch bệnh lan rộng, ảnh hưởng tới hoạt động không vận. Tuy nhiên, hầu hết các hãng hàng không châu Á cho biết lượng khách đặt vé tới Trung Quốc không biến động lớn.

Raj Tanta-Nanta, phó Chủ tịch phụ trách quan hệ đầu tư của Thai Airways International, khẳng định mặc dù lượng khách tới Trung Quốc giảm nhẹ nhưng hãng này không huỷ các chuyến bay tới Trung Quốc. Thai AirAsia cũng tuyên bố không giảm chuyến bay. Nhiều doanh nhgiệp châu Á đang hoạt động ở Trung Quốc , trong đó có India's Tech Mahindra Ltd, cho biết họ đã đánh giá tình hình và chưa áp dụng bất cứ hạn chế nào đối với nhân viên tại đây.

Philippines, nước đã cấm nhập gia cầm Trung Quốc từ năm 2004, đang thắt chặt các biện pháp kiểm dịch đối với toàn bộ các sản phẩm gia cầm.

Theo thống kê của Tổ chức giám sát dịch bệnh thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (CSR), từ năm 2003 đến nay cúm H5N1 đã cướp đi sinh mạng của 371 người trên tổng số 622 người nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong lên đến 59,65%./.

Hương Giang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục