Hiện nay, thành phố Hà Nội có 10 quận, huyện với 215 trường tiểu học tham gia thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, góp phần nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho học sinh.
Đây là mô hình mới ngành y tế đang triển khai tại 215 trường tiểu học nhằm góp phần tăng cường công tác quản lý, chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, khi triển khai mô hình, các bếp ăn tập thể trường học tham gia thí điểm phải đáp ứng quy định về điều kiện an toàn thực phẩm như: Điều kiện cơ sở vật chất; trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm; người tham gia chế biến thực phẩm tuân thủ quy định vệ sinh cá nhân; đảm bảo điều kiện bảo quản thực phẩm tươi sống và thực phẩm bao gói sẵn.
Đặc biệt, các trường phối kết hợp với cơ quan chức năng tham gia việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhằm ngăn chặn thực phẩm không an toàn được sử dụng làm nguyên liệu chế biến món ăn.
Qua thực tế kiểm tra tại bếp ăn tập thể của các quận, huyện thời gian qua cho thấy, công tác quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn của các đơn vị đều được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Các sở, ban, ngành cũng như đơn vị liên quan đã tham gia giám sát chất lượng bữa ăn cho học sinh.
[Tổ chức ăn bán trú: Dạy và học tốt hơn, giảm áp lực cho phụ huynh]
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân), khi tham gia mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường học, nhà trường đã được đầu tư bếp ăn khang trang, bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác bán trú... bảo đảm công tác vệ sinh tại bếp ăn của nhà trường.
Trường lựa chọn ký hợp đồng với Công ty Hương Việt Sinh, một trong những đơn vị uy tín, có đầy đủ hồ sơ pháp lý để cung cấp suất ăn cho học sinh và nấu tại bếp của trường.
Việc bảo đảm công tác vệ sinh là điều kiện tiên quyết nhà trường yêu cầu công ty thực hiện nghiêm túc. Trong đó, khu vực bếp ăn phải bảo đảm một chiều, chế biến đúng quy trình, có thùng đựng rác với nắp đậy kín và túi nylon lót, nhân viên bếp thu dọn chất thải, rác thải để đúng nơi quy định…
Nhà trường cũng ký hợp đồng với Hợp tác xã Thành Công để bảo đảm việc vận chuyển, thu gom và xử lý rác ngay trong ngày; thành lập tổ tự giám sát... Nhờ sự kiểm soát chặt chẽ, công tác vệ sinh và các điều kiện về an toàn thực phẩm, nhà trường luôn làm tốt công tác bán trú, bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng, giáo dục học sinh ý thức giữ vệ sinh chung, góp phần nâng cao sức khỏe và sự an toàn của học sinh. Nhiều năm liền, tại bếp ăn của trường chưa để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.
Qua thời gian thí điểm cho thấy, mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể đã đem lại nhiều lợi ích cho học sinh. Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, kết thúc năm học 2022-2023, sau khi đánh giá kết quả triển khai mô hình, nếu mô hình hoạt động hiệu quả, Chi cục sẽ tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố để nhân rộng trên địa bàn./.