Hà Nội hoàn thiện hệ thống 81 trạm quan trắc không khí trong năm 2020

Với 11 trạm quan trắc hiện có, 50 trạm cảm biến và 20 trạm cố định đang thực hiện đầu tư, mục tiêu đến hết năm 2020 Hà Nội sẽ hoàn thiện đồng bộ hệ thống 81 trạm quan trắc không khí trên toàn địa bàn.
Hà Nội hoàn thiện hệ thống 81 trạm quan trắc không khí trong năm 2020 ảnh 1Người dân chủ động đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Chiều 5/2, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết từ ngày 30/1-4/2, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố chạm ngưỡng “Kém” và “Xấu,” một phần do lưu lượng xe cộ tăng cao trở lại, lượng khí thải ra môi trường lớn kết hợp với điều kiện khí tượng có diễn biến bất lợi (sương mù, độ ẩm cao, lặng gió, ít mưa) khiến các chất thải không khuếch tán được ra xa.

Tuy nhiên, từ đêm 3/2 đến sáng 4/2 do có gió mùa đông bắc mạnh tăng cường kết hợp mưa nhỏ đã giúp chất lượng không khí Hà Nội tốt rõ rệt, toàn bộ 11 trạm quan trắc không khí trên địa bàn thành phố đều cho chỉ số AQI ở mức “Tốt”.

Ngoài ra, qua theo dõi, giám sát diễn biến chất lượng không khí các năm gần đây, thời điểm đầu năm vào tháng 2,3 năm 2020 chất lượng không khí thường kém hơn các thời điểm khác trong năm.

Do vậy, thời gian tới, để tiếp tục cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc không khí tự động.

[Hà Nội đón không khí “xanh” sau gần 1 tuần cảnh báo ô nhiễm “xấu'']

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang điều chỉnh Dự án đầu tư hệ thống quan trắc không khí tự động (bao gồm 20 trạm quan trắc không khí cố định, 1 trạm quan trắc không khí lưu động), đảm bảo tiến độ trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt trong tháng 2/2020, triển khai dự án hoàn thành trong năm 2020.

Đặc biệt, với hiện trạng 11 trạm quan trắc hiện có, 50 trạm cảm biến và 20 trạm cố định đang thực hiện đầu tư, mục tiêu đến hết năm 2020 thành phố sẽ hoàn thiện đồng bộ hệ thống 81 trạm quan trắc không khí trên toàn địa bàn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và nhu cầu theo dõi diễn biến chất lượng không khí của người dân Thủ đô.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã và đang phối hợp đơn vị tư vấn khảo sát, lựa chọn 50 địa điểm trên nguyên tắc phù hợp với Quy hoạch mạng lưới quan trắc, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch chuyên ngành khác.

Sau khi được Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ thông báo cho đơn vị tài trợ là Công ty TNHH phát triển THT tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc cảm biến, sớm đưa vào vận hành phục vụ người dân, dự kiến hoàn thành trong quý 1/2020.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đang tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường không khí. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tích cực phối hợp với Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và đơn vị tư vấn của Pháp nâng cao năng lực quản lý hệ thống, dữ liệu quan trắc không khí tự động; nghiên cứu tiếp thu bài học kinh nghiệm đơn vị tư vấn Pháp đã triển khai thành công tại Paris và Bắc kinh; dự kiến trong tháng 4/2020 sẽ tổ chức hội thảo về đề xuất chương trình, kế hoạch hành động cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng nêu rõ nhằm triển khai có hiệu quả các biện pháp khắc phục hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố, công an thành phố, thanh tra chuyên ngành tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các xe chở vật liệu, phế thải xây dựng gây ô nhiễm môi trường; xử phạt hành chính và tạm giữ phương tiện; giám sát các công trường xây dựng, cơ sở sản xuất, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường theo quy định.

Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin truyền thông xây dựng phương án khuyến cáo, hướng dẫn người dân bảo vệ sức khỏe trong các ngày chất lượng không khí ở mức “Xấu” “Rất Xấu” và “Nguy hại.”

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các tổ chức chính trị, xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không thu gom đốt rác tự phát, không vứt rác bừa bãi, nhất là hạn chế đốt vàng mã.

Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố trình Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành nghị quyết về chế tài xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân (bao gồm cả nâng mức xử phạt) theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố tại Thông báo số 21/TB-UBND ngày 10/1/2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục