Hà Nội khẩn cấp ngăn sạt lở bờ hữu sông Đà sau phản ánh của TTXVN

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm thực hiện và hoàn thành công trình ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ hữu sông Đà trước ngày 30/6/2022.
Hà Nội khẩn cấp ngăn sạt lở bờ hữu sông Đà sau phản ánh của TTXVN ảnh 1Khu vực sạt lở thôn Khê Thượng, xã Sơn Đà, cách bờ đê hữu Đà (Ba Vì) khoảng 20m. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ngay sau khi tiếp nhận phản ánh của Thông tấn xã Việt Nam và một số cơ quan báo chí về tình trạng sạt lở bờ hữu sông Đà đoạn chạy qua xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, thành phố đã ban hành lệnh khẩn cấp xây dựng công trình để ngăn chặn tình trạng sạt lở với kinh phí dự kiến khoảng 60 tỷ đồng.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triên Nông thôn chịu trách nhiệm thực hiện và hoàn thành công trình trước ngày 30/6/2022.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng giao huyện Ba Vì chủ trì, phối hợp với Chi cục Phòng, chống thiên tai cấm người và phương tiện đi vào khu vực sạt lở; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công trình công cộng và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng theo phương châm "4 tại chỗ"... Sở Nông nghiệp và Phát triên Nông thôn phối hợp với huyện Ba Vì theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, thực hiện các biện pháp hạn chế cung sạt phát triển...

Trước đó, ngày 28/10, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có bài viết phản ánh sự cố sạt lở đê tại Ba Vì. Trong đó có nêu do ảnh hưởng của mưa bão trong thời gian qua, tại địa bàn huyện Ba Vì, xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất bờ sông, nguy cơ đe dọa đến tài sản và tính mạng của người dân. Cụ thể tại bờ hữu sông Đà đoạn chạy qua xã Sơn Đà có 2 vị trí sạt lở.

Ví trí một từ K3+760 đến K3+830 dài 70m, sạt lở thêm về phía đê từ 3-5m. Vị trí hai từ K3+900 đến K4+100 dài 200m, tiếp giáp với kè Khê thượng, sạt lở thêm về phía đê từ 10-15m. Tại hiện trường, hành lang bờ sông bị sạt lở tạo thành một vách dựng đứng cao hơn chục mét, cây cối ngả nghiêng, rễ không còn đất để bám do đã bị trôi hết xuống sông. Khúc sông đỏ ngầu sủi bọt, hút gió mạnh, kéo theo từng tảng đất lả tả rơi.

[Hà Nội: Giải pháp trước mắt khắc phục sự cố sạt lở đê tại Ba Vì]

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn (thôn Khê Thượng, xã Sơn Đà), từ nhiều năm nay gia đình ông được giao khoảnh đất ven đê tại vị trí kể trên để canh tác nông nghiệp. Gia đình ông đã trồng bạch đàn, xoan, keo để giữ đất. Thế nhưng chỉ trong vài ngày mưa vừa qua, tất cả công sức của gia đình ông đã cuốn đi theo dòng nước sông Đà.

Chỉ tay về phía mặt nước nơi cách vị trí đứng của mình khoảng 20-30m, có cành cây còn nhô lên, ông Nguyễn Văn Tuấn buồn rầu cho biết, trước đây cây được trồng tới tận đó, giờ chỉ còn mặt nước đỏ ngầu. Không hiểu nguyên nhân gì mà đất lại sạt nhanh và diện tích lớn như vậy. Dù nhiều năm canh tác ở đây nhưng chưa bao giờ ông Tuấn thấy sạt lở đất nhiều đến thế.

Ông Nguyễn Danh Giáp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sơn Đà cho biết điều đáng lo ngại là vị trí sạt lở đất hiện nay vào năm 1971 đã từng xảy ra vỡ đê.

“Mong mỏi của địa phương là các ngành chức năng sớm tìm ra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục. Trường hợp sạt lở tiếp thì sẽ nguy hại đến thân đê, ảnh hưởng rất lớn đến tài sản của Nhà nước và người dân,” ông Nguyễn Danh Giáp nói.

Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì cho biết tình trạng sạt lở đất tại các bờ sông trên địa bàn huyện đang có diễn biến phức tạp. Bước đầu, Ủy ban Nhân dân huyện xác định, các khu vực sạt lở đất có nhiều sỏi liên kết rời rạc, có độ chênh cao giữa mặt đất tự nhiên và lòng sông. Khi mưa lớn kéo dài làm đất bão hòa với nước, phá vỡ liên kết dẫn tới sạt lở.

Về giải pháp trước mắt, ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì, cho biết để hạn chế thiệt hại từ sạt lở đất, huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng, ủy ban nhân dân các xã có tuyến đê chạy qua, thực hiện kiểm tra, rà soát thực địa. Từ đó chỉ ra những khu vực nào có nguy cơ, đưa ra cảnh báo, tuyên truyền để người dân chủ động di dời cây trồng, vật nuôi, thực hiện các biện pháp phòng tránh.

Ngành chức năng yêu cầu đơn vị quản lý đê theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; tiếp tục bố trí lực lượng, ngăn người và phương tiện đi vào khu vực xảy ra sự cố; chuẩn bị vật tư dự phòng để kịp thời xử lý sự cố phát sinh ngay từ giờ đầu.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục