Năm 2015, thành phố Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tư vấn nâng cao nhận thức về sàng lọc trước sinh và sơ sinh cũng như đầu tư trang thiết bị, sinh phẩm thực hiện các kỹ thuật phấn đấu sàng lọc trước sinh cho 80% số bà mẹ mang thai và 70% tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc.
Sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm phát hiện, can thiệp sớm, hạn chế các tật, bệnh và rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, phòng tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, khiếm thính, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số Thủ đô.
Thực hiện đề án tầm soát, phát hiện một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của thành phố, năm 2015, thành phố tập trung triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh nâng cao nhận thức về sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho cán bộ và nhân dân trong toàn thành phố; đồng thời triển khai các hoạt động chuyên môn kỹ thuật và quy trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh theo quy định.
Thành phố phấn đấu 456 cán bộ dân số-y tế tham gia đề án được tập huấn về kỹ năng tuyên truyền tư vấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh; 93% các bà mẹ có thai được tuyên truyền, tư vấn về sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh.
Trong năm 2014, thành phố Hà Nội đã triển khai đề án tầm soát, phát hiện một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, nâng tỷ lệ sàng lọc trước sinh của thành phố lên 67%; trong đó các đơn vị thực hiện tốt như Quốc Oai, Chương Mỹ, Tây Hồ, Long Biên; một số đơn vị thực hiện đạt kết quả thấp như Thạch Thất, Ba Vì, Hoài Đức…
Tuy nhiên, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh của thành phố mới đạt 46,8%, thấp nhất là thị xã Sơn Tây, huyện Thanh Trì… Qua sàng lọc đã phát hiện 406 ca nghi ngờ dương tính, trong đó có 402 trường hợp nghi ngờ thiếu men G6PD (là một loại men giúp quá trình chuyển hóa glucose tạo năng lượng cho cơ thể) và 4 trường hợp nghi ngờ suy giáp trạng bẩm sinh.
Ngoài ra, toàn thành phố đã khám sàng lọc khiếm thính cho trên 8.000 cháu, trong đó có 751 trẻ nghi ngờ và chẩn đoán xác định nghe kém đang được theo dõi điều trị; 1.200 trẻ được khám sàng lọc tim bẩm sinh, trong đó có 300 ca được siêu âm chẩn đoán xác định phát hiện 16 trẻ mắc bệnh và đang được điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành phố, việc triển khai đề án tầm soát, phát hiện một số tật, bệnh bẩm sinh trên địa bàn hiện nay vẫn đang gặp một số khó khăn như: Mặc dù công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn đã tập trung nhưng nhận thức của các bà mẹ chưa được nâng cao; tâm lý sinh con xong muốn về sớm nên việc lấy máu gót chân cho trẻ sơ sinh còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động khi tiếp cận đối tượng do các bà mẹ mang thai đang trong độ tuổi lao động cũng còn gặp khó khăn; kinh phí đầu tư cho hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh của các địa phương còn hạn chế; trung tâm Y tế một số quận, huyện triển khai lấy máu gót chân cho trẻ tại trạm y tế và cộng đồng còn chậm nên kết quả còn thấp./.