Hà Nội: Thu giữ hơn 5.000 mũ bảo hiểm kém chất lượng

Trong tháng 7, Công an kinh tế thành phố Hà Nội đã phát hiện và thu giữ hơn 5.000 mũ bảo hiểm không đạt chất lượng của 8 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở nhiều tỉnh thành khác nhau.
Hà Nội: Thu giữ hơn 5.000 mũ bảo hiểm kém chất lượng ảnh 1Mũ bảo hiểm kém chất lượng được thu giữ được trong tháng Bảy (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo đại diện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và quản lý chức vụ (PC46) Công an thành phố Hà Nội, chỉ trong tháng Bảy, Công an kinh tế thành phố Hà Nội đã phát hiện và thu giữ hơn 5.000 mũ bảo hiểm không đạt chất lượng.

Trong tháng Bảy, Công an Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đối với 6 điểm kinh doanh mũ bảo hiểm lớn trên địa bàn thành phố.

“Chủ các điểm kinh doanh này đều xuất trình các giấy tờ có liên quan, đồng thời, về hình thức, mũ bảo hiểm được bày bán đều có dán tem hợp quy, hợp chuẩn,” đại diện PC46 Công an Hà Nội cho hay.

Tuy nhiên, để đảm bảo, lực lượng chức năng vẫn lấy 21 mẫu mũ do 11 nhà sản xuất phân phối để kiểm tra chất lượng tại Tổng cục Tiêu chuẩn chất lượng-Bộ Khoa học và Công nghệ.

Kết quả cho thấy chỉ có 4 mẫu của 3 nhà sản xuất đạt chất lượng tiêu chuẩn, 17 mẫu còn lại không đạt tiêu chuẩn, chiếm tỷ lệ lên tới 72,8%. Số mũ này được 8 doanh nghiệp, cơ sở khác nhau sản xuất như: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đầu tư và phát triển Công nghệ Sơn Tùng; Công ty sản xuất thương mại kỹ thuật Á Châu, cơ sở sản xuất Sóng Hùng… có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh…

“Các mẫu mũ không đạt tiêu chuẩn đều không đảm bảo chỉ số gia tốc dội lại tức thời nên sẽ không an toàn cho người sử dụng,” đại diện PC46 thông tin.

Căn cứ vào kết quả kiểm định trên, Công an thành phố Hà Nội đã tiến hành thu hồi toàn bộ 5.011 mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Đồng thời, PC46 cũng đề nghị Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành rà soát, kiểm tra đối với 8 cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm này.

“Qua kiểm tra, xử lý, Công an thành phố Hà Nội nhận thấy ý thức của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm còn chưa cao. Có biểu hiện các doanh nghiệp lợi dụng việc cơ quan chức năng chỉ kiểm định chất lượng lô đầu tiên của sản phẩm nên ban đầu đưa ra mũ có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn. Những lô mũ tiếp theo lại bị giảm bớt thành phần nguyên liệu, giảm giá thành, không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn dán tem hợp quy rồi tung ra thị trường nhằm tăng lợi nhuận,” đại diện PC46 nhận định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục