Hà Tĩnh: Lan tỏa tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du trong học đường

Bên cạnh cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều,” cuộc thi “Tìm hiểu về Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều” do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh phát động đã tạo sức lan tỏa lớn.
Hà Tĩnh: Lan tỏa tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du trong học đường ảnh 1Trao giải nhất cá nhân cho giáo viên Nguyễn Thị Duyên (Trường THPT Nguyễn Du) và các học sinh Đặng Việt Hà (Trường THPT Nguyễn Du), Phan Thị Tú Quyên (Trường THCS Hoa Liên). (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Hàng trăm năm qua, kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du đã đi vào đời sống sâu sắc, bền bỉ. Ngày nay, trên quê hương Đại Thi hào ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, các thế hệ giáo viên, học sinh đang nỗ lực học tập, giữ gìn và lan tỏa, để “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn.”

Cô Đinh Thị Lan Hương, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghi Xuân chia sẻ: “Việc lan tỏa Truyện Kiều trong học đường luôn được ngành giáo dục quan tâm và có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Cùng với việc phát động các cuộc thi như “Bạn đọc thuộc Kiều,” “Tìm hiểu về Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều,” số lượng giáo viên học sinh thuộc, hiểu và yêu Truyện Kiều ngày càng lớn.”

Trường Tiểu học Thị trấn Tiên Điền có khuôn viên nằm trong khu vườn cũ của gia đình cụ Nguyễn Du. Nhà trường vừa phục dựng ngôi nhà cụ Nguyễn Du ngay trước thư viện xanh của trường, trở thành địa điểm lý tưởng để học sinh ngồi đọc sách mỗi giờ ra chơi.

Điều đặc biệt lý thú là bất kỳ một bạn học sinh nào ở Trường Tiểu học thị trấn Tiên Điền cũng đều có thể đọc, ngâm hoặc lẩy một vài câu Kiều. Nhiều em tuy chỉ mới học lớp Hai, lớp Ba, nhưng đã thuộc hàng trăm câu Kiều như em Đặng Vương Minh Anh, học sinh lớp 3A1 có thể đọc thuộc được gần 300 câu Kiều, em Hoàng Lê Hà Linh, học sinh lớp 4B1 đọc thuộc được hơn 600 câu Kiều.

[200 năm ngày mất Nguyễn Du: Những con số biết nói trong Truyện Kiều]

Cô Lê Thị Cẩm Nhung, giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Thị trấn Tiên Điền cho biết: “Ở các giờ ngoại khóa, giáo viên đã lồng ghép việc đưa Truyện Kiều vào chương trình dạy và được đông đảo học sinh thích thú, hưởng ứng. Bên cạnh đọc thuộc Truyện Kiều, trường còn tổ chức “Ngày hội tiếng hát dân ca” lồng ghép các loại hình nghệ thuật xuất phát từ Truyện Kiều như: ngâm Kiều, lẩy Kiều, trò Kiều… để tạo hứng khởi cho học sinh.”

Từ hiệu ứng của cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều,” phong trào đọc và hiểu Truyện Kiều trong nhà trường đã thực sự lan tỏa.

Cô Nguyễn Thị Hải Lương, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Nguyễn Trãi chia sẻ: “Hưởng ứng cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều,” đông đảo giáo viên và học sinh trường đã hào hứng tham gia. Tại trường hiện nay, mỗi giáo viên, học sinh đều thuộc ít nhất 100 câu Kiều, nhiều em thuộc từ trên 1.000 câu.

Không chỉ các giáo viên dạy môn xã hội mà nhiều thầy, cô giáo dạy các môn tự nhiên cũng dành niềm say mê đặc biệt cho Truyện Kiều.”

Cô Trần Thị Xuân Thu dạy Hóa-Sinh của Trường trung học cơ sở Nguyễn Trãi, nhưng lại dành tình yêu đặc biệt cho những câu Kiều. Cô thuộc tất cả 3.254 câu trong Truyện Kiều.

Cô Thu chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghi Xuân, từ nhỏ đã được nuôi dưỡng tâm hồn từ những câu ru Kiều của bà, của mẹ nên tôi đã mê say Truyện Kiều từ đó. Tính nhân văn trong Truyện Kiều giúp tâm hồn tôi hướng thiện, đẹp đẽ, thấu hiểu và yêu thương học trò nhiều hơn.”

Bên cạnh cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều,” cuộc thi “Tìm hiểu về Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều” do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh phát động đã tạo sức lan tỏa lớn trong các trường học ở Hà Tĩnh.

Sau hơn một tháng phát động, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 150 trường Trung học cơ sở ở 13 phòng giáo dục huyện, thành, thị và 63 trường Trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên toàn tỉnh tham gia với tổng số hơn 130.000 bài thi.

Các bài thi đều thể hiện sự dày công nghiên cứu về mặt nội dung, phong phú về thông tin, tư liệu và đa dạng, sáng tạo về hình thức thể hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục