Hàn Quốc: Ca tử vong do mắc bệnh lý nền, không do tiêm vaccine COVID

KDCA cho biết toàn bộ 11 người trên 70 tuổi tử vong sau khi tiêm vaccine đều mắc các bệnh lý nền và 7 người trong số này đã được đưa vào các cơ sở chăm sóc lâu dài.
Nhân viên y tế chuẩn bị vaccine ngừa COVID-19 để tiêm cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 12/4/2021. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Nhân viên y tế chuẩn bị vaccine ngừa COVID-19 để tiêm cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 12/4/2021. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Giới chức y tế Hàn Quốc ngày 12/4 khẳng định không có mối liên quan nào giữa việc tiêm vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với 11 trường hợp tử vong sau tiêm vaccine tại nước này, đồng thời đảm bảo với công chúng về sự an toàn của vaccine.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), lực lượng chức năng đã hoàn tất cuộc điều tra về 11 trong số 47 người tử vong trong vòng vài ngày sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca và Pfizer Inc, cũng như cuộc khảo sát dịch tễ về 32 trong số 47 trường hợp tử vong được ghi nhận.

KDCA cho biết toàn bộ 11 người trên 70 tuổi đều mắc các bệnh lý nền và 7 người trong số này đã được đưa vào các cơ sở chăm sóc lâu dài.

Nhà chức trách Hàn Quốc kết luận cái chết của những người này nhiều khả năng liên quan đến các bệnh lý nền mà họ đã mắc, trong đó có đột quỵ và sa sút trí tuệ.

Cũng theo giới chức Hàn Quốc, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tiến hành các khảo sát dịch tễ về 15 trường hợp tử vong.

KDCA cho biết trong số 4 trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine, chỉ 1 trong số này được chứng minh là có liên quan đến vaccine.

Theo đó, một người đàn ông trong độ tuổi 20 bị chẩn đoán mắc chứng huyết khối xoang tĩnh mạch não (CVST) sau khi được tiêm vaccine của AstraZeneca.

Người này không mắc bệnh lý nền nào và hội chứng này cũng rất ít khi xảy ra. Hiện người này đã hoàn toàn bình phục.

[Hàn Quốc quyết định tiếp tục tiêm vaccine của AstraZeneca]

Trước đó, Cơ quan Dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) cũng cho biết không thể loại trừ mối liên quan giữa các trường hợp mắc CVST hiếm gặp và vaccine của AstraZeneca.

Kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vào ngày 26/2 vừa qua, tổng cộng đã có 1.157.255 người đã được tiêm vaccine, trong đó có 916.780 người được tiêm vaccine của AstraZeneca, trong khi số người còn lại đã được tiêm vaccine của Pfizer.

Vài ngày sau khi tạm dừng chương trình tiêm vaccine AstraZeneca trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về tính an toàn của nó, ngày 12/4, Hàn Quốc đã quyết định tiếp tục triển khai việc tiêm loại vaccine này cho những người trên 30 tuổi.

Nhà chức trách y tế cho biết chính phủ sẽ bồi thường thỏa đáng cho những người gặp tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc tác dụng phụ khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó có việc chi trả chi phí nằm viện và các loại chi phí điều trị khác.

Cùng ngày, tân Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon cho biết thành phố sẽ tìm cách cho phép các doanh nghiệp nhỏ, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hoạt động nhiều giờ hơn, đồng thời đề nghị chính phủ phê duyệt bộ tự xét nghiệm COVID -19 để hỗ trợ kế hoạch trên.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, ông Oh Se-hoon khẳng định Seoul sẽ nỗ lực để chuyển mô hình hạn chế dịch bệnh sang "đôi bên cùng có lợi", không bắt các doanh nghiệp nhỏ phải hy sinh các lợi ích. Kế hoạch này nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp nhỏ trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp nhỏ, trong đó có nhà hàng, phòng tập thể dục, quán bar và quán cà phê, chỉ trích các biện pháp hạn chế mà chính phủ đưa ra.

Bên cạnh đó, Thị trưởng Seoul cũng kêu gọi chính phủ phê duyệt các bộ dụng cụ tự xét nghiệm COVID-19 nhanh, cho kết quả trong vòng 10-30 phút và đã được sử dụng rộng rãi ở một số quốc gia, trong đó có Mỹ và Đức, vừa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, vừa giúp mọi người duy trì cuộc sống thường nhật một cách an toàn.

Hiện một số công ty Hàn Quốc đã xuất khẩu những bộ dụng cụ như vậy, nhưng chưa có công ty nào được chính quyền phê duyệt.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng đã bắt đầu chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một lượng lớn người cao tuổi. Theo đó, những người trên 65 tuổi ở nước này đã được tiêm vaccine của hãng Pfizer tại khoảng 120 điểm tiêm chủng trên toàn quốc.

Giới chuyên gia cho rằng việc tiêm chủng hiện nay ở Nhật Bản có thể không ngăn chặn được làn sóng lây nhiễm thứ 4 dịch COVID-19, bởi ngày càng có nhiều người trẻ nhiễm virus SARS-CoV-2 so với thời gian trước đây.

Nhật Bản là một trong những nền kinh tế lớn bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào giữa tháng 2 sau khi các cuộc thử nghiệm trong nước cho kết quả an toàn. Hiện Nhật Bản mới chỉ phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục